Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:03 (GMT +7)
ĐB Trần Văn Minh đóng góp ý kiến về Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi
Thứ 5, 22/11/2012 | 14:58:30 [GMT +7] A A
Chiều 20-11, Quốc hội Khóa XIII tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Sửa đổi. Tại buổi thảo luận, ĐB Trần Văn Minh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả.
ĐB Trần Văn Minh cho rằng, cần phải mạnh mẽ đổi mới tư duy, không thể tiếp tục đặt sản phẩm KH&CN vào cùng “giỏ” với các hàng hóa thông thường để quản lý nhân lực, tổ chức và các hoạt động KH&CN. Đó chính là nguyên nhân mà thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực, là then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhưng KH&CN vẫn chậm phát triển, kém hiệu quả.Về các vấn đề chung, ĐB Trần Văn Minh đề nghị:Về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân lực KH&CN thì Dự thảo còn chung chung, thiếu cả nội dung trong chỉ đạo tại Nghị quyết T.Ư 6 về phát triển KH&CN. Tham chiếu với Luật KH&CN năm 2000, ít có những thay đổi cơ bản, mặt khác còn có bước thụt lùi khi bỏ khoản quy định “Nhà nước có chính sách thỏa đáng về lương, điều kiện làm việc, chỗ ở đối với cá nhân hoạt động KH&CN”. Việc “có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với các nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học đầu ngành” là hết sức cần thiết nhằm phát huy nguồn lực “chất xám” quý báu nhưng không nhiều này của quốc gia. Bên cạnh đó, ĐB Trần Văn Minh cho rằng vẫn cần quan tâm đến điều kiện sống, làm việc của các cá nhân hoạt động KH&CN nói chung, khi mà cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù. Mặt khác, khi có điều kiện sống, làm việc thuận lợi, thì từ số đông này mới có thể xuất hiện các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia giỏi cho đất nước. Chính vì thế, ĐB Trần Văn Minh đề nghị cần rà soát, hoàn chỉnh để bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực KH&CN, đúng với quan điểm “Đầu tư cho nhân lực KH&CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng cao trí tuệ và sức mạnh của dân tộc”. Về tài chính và tín dụng cho hoạt động KH&CN, ĐB Trần Văn Minh đã đánh giá cao đề xuất chuyển đổi từ cơ chế quản lý tài chính hành chính sang áp dụng cơ chế quỹ hoặc thông qua quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN. Điều này là phù hợp với đặc thù sáng tạo và giúp cho hoạt động KH&CN phát triển. Cùng với đó, ĐB Trần Văn Minh cũng bày tỏ sự đồng tình cao với việc Nhà nước bảo đảm tỷ lệ chi cho KH&CN đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm.
Đại biểu Trần Văn Minh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội trường |
Liên quan đến lĩnh vực huy động nguồn lực xã hội, ĐB Trần Văn Minh đề nghị cần nghiên cứu đề ra tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế bắt buộc doanh nghiệp phải trích đầu tư cho KH&CN. Vì DDB Trần Văn Minh cho rằng, có như vậy mới có thể tăng mạnh được tổng đầu tư cho KH&CN và sẽ buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến hoạt động KH&CN, từ đó tăng được sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp của cả nền kinh tế. Việc Luật hóa một tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế có tính bắt buộc này còn khẳng định hành động mạnh mẽ, kịp thời trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương. Về phát triển thị trường KH&CN, ĐB Trần Văn Minh cho rằng, các quy định còn chung chung, mới đề cập đến các công việc cần làm mà chưa có các quy định cơ bản về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để thị trường KH&CN phát triển. Đây là một thị trường mới, có tính đặc thù, kinh nghiệm các nước đều cho thấy, Nhà nước phải thực sự là “Bà đỡ” thì thị trường mới được hình thành một cách có hệ thống và phát triển. Vì thị trường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, và qua đó sẽ kích thích các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo phát triển. Do đó, ĐB Trần Văn Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cụ thể thêm. Không những thế, ĐB Trần Văn Minh còn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các Điều, Khoản quy định: Về xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển KH&CN, vì đây là nội dung hết sức cần thiết cho sự phát triển KH&CN trong trung và dài hạn; về vị trí, vai trò và điều kiện hoạt động của Liên hiệp các Hội KHKT, vì đây là nơi tập hợp các tổ chức KH&CN và các nhà KH-CN, có vai trò quan trọng trong việc phát triển KH&CN của đất nước.
Xuân Ninh – Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()