Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:33 (GMT +7)
Đại dịch bùng phát trở lại, "thổi bùng" cuộc đua phát triển vaccine đặc trị biến thể
Thứ 6, 27/08/2021 | 15:38:48 [GMT +7] A A
Khi biến thể Delta lây lan mạnh, các loại vũ khí chống biến thể cần nâng cấp lên như thế nào để thế giới đạt tới một viễn cảnh tương lai khống chế được dịch bệnh?
Biến thể Delta lây lan mạnh, khiến nhiều quốc gia phải thay đổi chiến lược, chuyển từ Zero COVID (Không COVID) sang sống chung với dịch bệnh.
Trong một tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận thêm hơn 655.000 ca mắc mới COVID-19, tăng tới 10% so với hồi đầu tháng 8 và đường cong dịch bệnh tiếp tục xu hướng đi lên.
Có thể nói, biến thể Delta đang "hạ gục" các thành trì chống dịch. Các nước từ Đông sang Tây bán cầu, nơi có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp lẫn nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao đều chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Thách thức này buộc các hãng dược trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, qua đó có thể cho ra đời phiên bản vaccine cải tiến đặc trị biến thể Delta.
Cuộc đua sản xuất vaccine chống biến thể Delta
Triển vọng về vaccine COVID-19 thế hệ tiếp theo có thể bảo vệ chống lại các biến thể virus trong tương lai đã tiến một bước gần hơn thành hiện thực trong tuần qua.
Gritstone, công ty sinh học có trụ sở tại Mỹ, đã nhận được khoản tài trợ 20 triệu USD để thử nghiệm một loại vaccine COVID-19 phổ quát. Vaccine của Gritstone sử dụng công nghệ mRNA tương tự Pfizer-BioNTech hay Moderna, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng. Các vaccine mRNA hiện có thúc đẩy những tế bào của cơ thể chỉ sản xuất một protein duy nhất - protein gai mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để tấn công vào các tế bào. Điều này khiến vaccine dễ bị tê liệt trước các đột biến ở protein gai như trong những biến thể mới, chẳng hạn biến thể Delta.
Tuy nhiên, vaccine của Gritstone được nâng cấp hơn, đó là ngoài protein gai, vaccine này sẽ hướng dẫn tế bào tạo ra các protein khác có liên quan đến virus, tăng khả năng ngăn ngừa những biến thể mới. Nói cách khác, điều đó khiến các biến thể như Delta sẽ khó né được loại vaccine mới này.
Hiện các nhà sản xuất vaccine khác như Pfizer-BioNTech hay Sinovac cũng đang phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 đặc hiệu để đối phó với biến thể Delta. Các nhà khoa học thuộc Hệ thống y tế Northwestern (Mỹ) đang phát triển một phiên bản mới, cải tiến và đầy triển vọng của vaccine ngừa COVID-19 nhằm chống lại biến thể mới.
Australia và kế hoạch sống chung với COVID-19
Khi virus còn phát triển các biến thể phức tạp, cuộc chiến chống dịch sẽ không kết thúc nhanh chóng. 1,5 năm sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu chấp nhận rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ không mau chóng biến mất. Các nước dần từ bỏ mục tiêu đánh bại, chuyển sang thích nghi với chiến lược sống chung với COVID-19.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng thừa nhận khó đạt được mục tiêu Zero COVID. Ông cho biết, khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 70% dân số, các biện pháp phong tỏa sẽ dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, xã hội sau đó sẽ hướng tới "sống chung với COVD-19" bằng cách chuyển trọng tâm chú ý từ số ca nhiễm sang các ca điều trị ở bệnh viện.
Hình mẫu chống dịch New Zealand trước sự xuất hiện của biến thể Delta
New Zealand, nước láng giềng của Australia, đã theo đuổi chiến lược Zero COVID và là một trong những hình mẫu chống dịch thành công nhất trong các nước phát triển. Tuy nhiên, giới chức Y tế New Zealand cũng thừa nhận, Delta không giống bất cứ thứ gì họ từng ứng phó trước đây. Bản chất dễ lây nhiễm của biến thể Delta khiến New Zealand khó kiểm soát đợt bùng phát dịch lần này hơn những đợt trước và đặt ra những câu hỏi lớn cho chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19 của nước này bấy lâu nay.
Từng phòng chống dịch COVID-19 thành công trong một thời gian dài nhưng giờ đây, New Zealand đang thừa nhận, chiến lược tham vọng loại bỏ hoàn toàn COVID-19 có thể không còn khả thi khi làn sóng dịch mới do biến thể Delta đang bùng phát ở quốc gia này.
Thủ tướng New Zealand cho rằng, biến thể Delta đã buộc chính quyền phải điều chỉnh chiến lược loại bỏ COVID-19 như phong tỏa nhanh hơn, xét nghiệm rộng rãi hơn và đây vẫn là một mục tiêu hợp lý. Theo Reuters, chỉ có khoảng 26% trong số 5 triệu dân số của New Zealand đã được tiêm chủng đầy đủ, thấp nhất trong danh sách những quốc gia phát triển.
Singapore chuẩn bị sống chung lâu dài với COVID-19
Ở một số quốc gia phát triển khác, tỉ lệ tiêm chủng cao đã làm giảm đáng kể số ca nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát các làn sóng COVID-19 mới vẫn luôn thường trực. Singapore hiện đang có những bước đi cụ thể để chuyển sang sống chung với COVID-19.
Theo đó, trong bản tin COVID-19 hàng ngày, điểm nhấn không phải là số lượng ca mắc mới mà là số ca tử vọng, số ca trở bệnh nặng và tỷ lệ tiêm vaccine. Đó là cách cho thấy, Singapore dần coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, tức là khả năng mắc bệnh là không tránh khỏi, nhưng với tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số các ca mắc đều có triệu chứng nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà. Hệ thống y tế tập trung nguồn lực vào điều trị các bệnh nhân nặng.
Đến nay, Chính phủ Singapore tiếp tục khuyến khích người dân tiêm vaccine với cơ chế ngày càng cởi mở, linh hoạt. Trong một số trường hợp, người dân có thể đi tiêm vaccine mà không cần đăng ký trước.
Người dân vẫn được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang, cài đặt ứng dụng truy vết và sẵn sàng đi làm xét nghiệm khi có yêu cầu của Chính phủ. Xét nghiệm trở thành một việc bình thường đối với các doanh nghiệp hay những sự kiện quy mô lớn được tổ chức. Người dân cũng có thể tự làm xét nghiệm với các bộ kit xét nghiệm nhanh được bán sẵn tại nhiều quầy thuốc.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ sâu rộng trong truy vết, xét nghiệm, điều trị hiệu quả cùng với tỷ lệ tiêm vaccine cao đang tạo nên yếu tố nên tảng để Singapore dần mở cửa trở lại nền kinh tế trong chiến lược sống chung với COVID-19.
Các kịch bản COVID-19
Tờ Thời báo phố Wall đăng bài bình luận cho rằng, chiến lược chống dịch bây giờ nên là đưa "pandemic" (đại dịch) trở thành "endemic" (bệnh truyền nhiễm), kiểm soát được số ca mắc, tử vong và không làm gián đoạn hoạt động xã hội.
Ngày 26/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra 2 kịch bản COVID-19 trong tương lai. Trong đó, kịch bản chúng ta nên hướng tới là sống chung với COVID. Kịch bản còn lại là virus tiếp tục sản sinh những biến thể mạnh, làm giảm hiệu quả hiệu quả vaccine và có thể khiến các lệnh phong tỏa bị kéo dài. Đây là kịch bản mà ai cũng muốn tránh.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()