Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:41 (GMT +7)
Đại Dực gìn giữ nét đẹp văn hoá dân tộc Sán Chỉ
Chủ nhật, 10/09/2023 | 07:42:59 [GMT +7] A A
Xã Đại Dực, huyện Tiên Yên có gần 90% dân số là người dân tộc Sán Chỉ. Đến nay, đồng bào Sán Chỉ nơi đây còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu cha ông để lại.
Nằm cách trung tâm huyện Tiên Yên gần 30km, trên triền núi cao thoai thoải, xã Đại Dực là nơi cư trú của hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Không giống với phương cách sống du canh, du cư của nhiều dân tộc thiểu số khác, cộng đồng người dân tộc Sán Chỉ luôn có tư tưởng ổn định về nơi ở, từ đó mới tính chuyện làm nương, trồng ngô, trồng lúa.
Từ quan niệm đó đã hình thành nên nét đặc trưng trong văn hoá kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Nhà sàn người Sán Chỉ thường có chiều cao từ 5-7m, nếu là nhà 3 gian thì phải có 4 vì cột, mỗi vì có từ 5-7 hoặc 9 cột. Cột được đẽo, xẻ từ các loại cây gỗ to, chắc như nghiến, lim, táu... Các thanh gỗ được nối với nhau bằng các chốt đầu vì kèo vì cột và được làm bằng gỗ ở trong rừng, đã mang về ngâm bùn nước ao khoảng 1-3 năm.
Dù còn nhiều khó khăn trong việc bảo tồn nhưng thực tế tại các làng, bản, số lượng nhà sàn truyền thống vẫn tồn tại theo ước nguyện của nhiều gia đình như một minh chứng cho nét văn hóa đặc sắc, trường tồn của đồng bào dân tộc nơi đây.
Đại Dực không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, các dòng thác hùng vĩ, những ngôi nhà sàn cổ mà còn là nơi có sắc phục truyền thống rất đẹp. Các thiếu nữ dân tộc Sán Chỉ cùng khoe dáng trong bộ váy áo được may bằng các màu xanh và đen, được thiết kế đơn giản, phù hợp cho các hoạt động nông nghiệp, thể hiện sự chung thuỷ, son sắc của người phụ nữ. Trang phục màu tràm thể hiện sự khoẻ khoắn của đàn ông Sán Chỉ.
Dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực còn gìn giữ được nhiều nét văn hoá đậm đà bản sắc như nghi lễ cầu mùa, hát soóng cọ, ẩm thực độc đáo. Đại Dực còn có lễ hội mùa vàng với những ruộng bậc thang óng ả thu hút du khách khám phá và trải nghiệm. Con đường Đại Phong nối từ xã Đại Dực thông sang cả xã Húc Động, huyện Bình Liêu là xã cũng rất đông người Sán Chỉ, bà con rất thích hát soóng cọ.
Xã Đại Dực và xã Húc Động đều có nhiều cảnh đẹp, văn hóa tương đồng, vì vậy, bà con hai xã thường giao lưu văn hóa với nhau. Đại Dực và Húc Động có chung quả đồi Tình, ngọn đồi đã se duyên giúp bao đôi trai gái nên vợ nên chồng. Trên đồi Tình có thác nước, nhiều bãi cỏ xen kẽ những bụi hoa sim tím rất thơ mộng.
Hàng năm, tại xã Húc Động diễn ra Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ ở Bình Liêu, được tổ chức tại nhà văn hóa, sân vận động xã, núi Cao Ly với các hoạt động mang bản sắc dân tộc, như: Nghi lễ cầu may truyền thống, hát soóng cọ, đêm lửa trại Cao Ly và các môn đá bóng nữ, đẩy gậy, kéo co, có rất đông người từ Đại Dực sang dự.
Đối với người Sán Chỉ ở Đại Dực, lễ hội cầu mùa thường được tổ chức vào tháng sau Tết Âm lịch để cầu thần Nông là vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, cho cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, mọi người no ấm, bản làng yên lành, là lễ hội rất quan trọng. Sau lễ cầu mùa, mọi người lại tích cực ra ruộng vườn để trồng cấy. Công cụ sản xuất lúc đó là cây chọc lỗ (gọi là bu chồng) được đồng bào Sán Chỉ thiết kế khéo léo, có thêm rọ tre đựng sỏi để mỗi khi chọc mạnh lại phát ra tiếng nhạc vui tai, hoà quyện với các làn điệu soóng cọ vang xa trên các nương rẫy.
Lễ hội còn là dịp để các bà, các chị thể hiện sự khéo léo tạo nên những chiếc bánh cốc mò xinh xắn, hoà quyện cùng với màu sắc rực rỡ của xôi ngũ sắc. Không chỉ đẹp và thơm ngon với nhiều mùi vị của núi rừng mà đĩa xôi, khuôn xôi 5 màu còn chứa đựng những giá trị thiêng liêng trong tâm linh nên được mọi người rất trân trọng.
Đặc biệt, trong lễ hội còn có những trò chơi dân gian sôi động, khơi dậy lòng tự hào, tính dân tộc, bản sắc văn hoá truyền thống như đánh quay, tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo kết hợp với âm thanh mượt mà của chiếc kèn lá dứa tạo nên một nét văn hoá truyền thống lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Để bảo tồn văn hóa dân tộc, ngay từ năm 2006, huyện Tiên Yên xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, là công trình nhà văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số quy mô nhất thời điểm đó trên địa bàn tỉnh, được xây dựng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, sau 15 năm công trình đã xuống cấp và không còn phù hợp với sự đổi thay đi lên không ngừng của xã Đại Dực, cũng như huyện Tiên Yên. Năm 2022, công trình Nhà văn hóa xã Đại Dực mới gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, huyện Tiên Yên được khánh thành.
Bắt đầu từ năm 2006, tại xã Đại Dực lần đầu tổ chức lễ hội cho bà con dân tộc qua Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ. Kể từ đó, hàng loạt các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số đã được phục dựng, tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Yên và nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()