Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 21/01/2025 13:03 (GMT +7)
Đại học Hạ Long: Xây dựng văn hóa học đường trong sinh viên
Chủ nhật, 25/08/2024 | 14:16:36 [GMT +7] A A
Tạo ra nét đẹp mới trong giảng dạy học tập là mục tiêu mà Trường Đại học Hạ Long hướng đến khi xây dựng văn hoá học đường trong học sinh, sinh viên.
Với quan điểm xây dựng văn hóa học đường trong sinh viên, học sinh Trường Đại học Hạ Long là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường. Sinh viên, học sinh tích cực trong việc xây dựng, phát huy truyền thống giàu bản sắc của Quảng Ninh, lan tỏa vị thế của trường góp phần cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững”, đã được Đảng bộ Trường Đại học Hạ Long cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề xây dựng văn hóa học đường là cần thiết, góp phần định hướng trong giáo dục nhân cách, tri thức, kỹ năng sống trong sinh viên, học sinh. Nghị quyết về xây dựng văn hóa học đường trong sinh viên, học sinh thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, tạo ra nét đẹp mới trong giảng dạy học tập.
Theo TS. Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng nhà trường, các nghị quyết khi vào học đường tạo ra không gian sư phạm mới, đào tạo nguồn nhân lực có đức, có tài. Mục tiêu trọng tâm hướng đến là đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tuân thủ pháp luật cho thế hệ trẻ, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần xây dựng con người Quảng Ninh.
Trường Đại học Hạ Long đã đề ra 10 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 và nhiều nhiệm vụ thiết thực trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Theo đó, các đơn vị, nhất là các khoa đào tạo thực hiện có hiệu quả tiêu chí văn hoá trong trường học. Toàn bộ sinh viên các ngành du lịch, văn hóa, sư phạm, ngoại ngữ được đào tạo kiến thức về lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa địa phương. Học sinh, sinh viên được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa, được tham quan các di tích quốc gia đặc biệt, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh…
Cụ thể, Trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy định về văn hóa học đường của sinh viên, học sinh, hoàn thành kế hoạch phát triển Đảng trong sinh viên, học sinh hằng năm, xây dựng ít nhất một mô hình tiêu biểu trong thực hiện văn hóa học đường với các tiêu chí cụ thể. Việc thực hiện hiệu quả văn hóa học đường nhằm rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Trường xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử Trường Đại học Hạ Long” trên cơ sở bám sát thực hiện các tiêu chí tại “Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” cập nhật, bổ sung theo hướng thực hiện thường xuyên các chuẩn mực ứng xử văn minh, lịch sự, mang bản sắc riêng.
Nhà trường tạo điều kiện để sinh viên người dân tộc thiểu số gìn giữ, sử dụng trang phục truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc mình trong nhà trường. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động vì cộng đồng gắn với hoạt động giáo dục tri thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Tương thân, tương ái”, kỹ năng xã hội cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động giáo dục, hoạt động xã hội và trên phương tiện truyền thông.
Nhà trường đẩy mạnh chất lượng đào tạo khối ngành nghệ thuật nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa của Quảng Ninh, tuyên truyền, vận động sinh viên trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các khâu đột phá, chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, đơn vị và các tổ chức đoàn thể; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
Trường Đại học Hạ Long đã xây dựng chiến lược thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện nay, Trường Đại học Hạ Long đang đào tạo, cung cấp lực lượng lao động tham gia vào ít nhất 1/3 số lĩnh vực của công nghiệp văn hoá. Đó là các ngành thiết kế đồ họa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, truyền thông và đặc biệt là du lịch văn hóa.
Để góp phần vào sự phát triển công nghiệp văn hoá của tỉnh và khu vực, Trường xác định sẽ tiếp tục tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực công nghiệp văn hoá như: Du lịch văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh - triển lãm, ẩm thực và truyền thông.
"Chúng tôi tích cực nghiên cứu xây dựng giáo trình, tài liệu đào tạo; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp để tìm hiểu, đánh giá về thực trạng và đề xuất tham mưu các mô hình, giải pháp và sản phẩm cụ thể phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá của tỉnh và khu vực, nghiên cứu, khai thác giá trị văn hoá dân gian vào chương trình giáo dục địa phương và sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh, sinh viên; nghiên cứu tạo ra sản phẩm âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh...
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hướng đến mở rộng các ngành đào tạo khác gắn với công nghiệp văn hoá cho tỉnh Quảng Ninh và khu vực" - PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Huỳnh Đăng
Ý kiến ()