Tất cả chuyên mục

Đại tá Vũ Đức Tạo là Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh. Công việc của một sĩ quan trong quân đội bận rộn là thế, nhưng anh vẫn dành cho mình những khoảng thời gian để đến với âm nhạc và đã gặt hái được một số giải thưởng như: 3 giải thưởng ca khúc hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức, giải thưởng sáng tác ca khúc nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh...
Trò chuyện với tôi, anh bảo:
+ Tôi yêu âm nhạc từ nhỏ. Những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường hay khi là chiến sĩ biên phòng, trong suốt quá trình công tác cho đến nay, tình yêu đó vẫn vẹn nguyên. Điều đó cũng là tự nhiên thôi, ngoài công việc thường ngày, ai chẳng có niềm đam mê về một lĩnh vực nào đó… Với tôi, cũng như bao đồng đội, được tôi luyện trong môi trường học tập và công tác khắc nghiệt, với bao vất vả, khó khăn của người lính nơi biên cương Tổ quốc, thì âm nhạc đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Chính môi trường ấy đã tạo điều kiện cho tôi tham gia hoạt động âm nhạc, trong đó có sáng tác ca khúc…
- Trải qua nhiều trường lớp trong quân đội, lại thường xuyên bộn bề với công việc, anh học và sáng tác âm nhạc như thế nào?
+ Là sĩ quan Biên phòng, đương nhiên tôi phải được đào tạo cơ bản, chuyên sâu và hệ thống về chuyên môn nghiệp vụ của mình. Và dù có yêu âm nhạc, say mê thể thao đến mấy đi nữa thì trước tiên phải yêu nhiệm vụ chính trị của mình, phải dành hết tâm trí để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trước đã. Còn chuyện học nhạc, anh cũng biết đấy, nhận thức thì có nhiều con đường. Tôi yêu âm nhạc, tự tìm đến và hiểu nó. Tôi cũng đã qua một số lớp bồi dưỡng, hội trại về sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Biên phòng; tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm sáng tác của một số nhạc sĩ nổi tiếng trong và ngoài quân đội. Để rồi từ đó, trong tĩnh lặng suy tư, những ca khúc đã ra đời…
![]() |
![]() |
- Trong sáng tác của anh, đề tài nào là xuyên suốt và những ca khúc nào để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm nhất?
+ Do điều kiện công tác, tôi viết không được nhiều. Về mặt đề tài trong sáng tác, các cụ ta vẫn nói “Ăn cây nào rào cây đó”; các ca khúc của tôi hầu hết đều viết về đề tài biên giới và người lính. Nếu không có những trải nghiệm thực tiễn, không hiểu sâu sắc về đề tài thì khó mà có được tác phẩm tốt.
Tôi nghĩ, với bất cứ ai, đã là người sáng tác thì mỗi ca khúc anh viết đều thai nghén từ nguồn cảm xúc, đều “mang nặng đẻ đau” cả. Vì thế, “đứa con” nào tôi cũng thương yêu. Năm 2006, đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có tôi, đã được ra thăm Trường Sa. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển đảo, với cảm xúc mãnh liệt, tôi đã cho ra đời ca khúc “Chiến sĩ Trường Sa” ngợi ca những đồng đội đang chắc tay súng ngày đêm canh giữ biển trời và quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Còn có những bài hát tôi phải thai nghén đến dăm năm, như “Hội Biên phòng toàn dân”. Ca khúc đã một lần nữa khẳng định, ngày 3-3 là Ngày hội của non sông, đất nước; xây dựng và bảo vệ biên giới là sự nghiệp lớn của toàn dân, trong đó lực lượng nòng cốt và chuyên trách là Bộ đội Biên phòng. Đây được chọn là một trong 10 ca khúc truyền thống của Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Năm 2011, ca khúc “Biển Mẹ - Âu Cơ” của tôi ra đời cũng là để góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta trên vùng biển. Và vừa năm ngoái, 2013, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, ca khúc “Hạ Long thần tiên” của tôi ra đời như lời ngợi ca vẻ đẹp Vịnh Hạ Long…
- Có một “dòng chảy âm nhạc rất lớn về đề tài biên giới” qua các ca khúc hiện nay. Ý kiến của anh như thế nào về nhận định này?
+ Đúng như anh nói, Tổ quốc gắn liền với biên giới. Văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, có thời nào lại không đề cập đến tình yêu Tổ quốc. Biên giới thiêng liêng là đề tài vô tận của thi ca nhạc hoạ. Và do đó, như anh thấy, rất nhiều thế hệ nhạc sĩ đã viết rất hay về biên giới, như: Trần Chung, Phạm Tuyên, Thuận Yến, Minh Quang, Thế Song, Đoàn Bổng, Xuân Giao, Bảo Chung, Phạm Tịnh, Vũ Thiết v.v.. Ở đây, tôi xin được nhắc lại lời đúc kết của cố nhạc sĩ - Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, nguyên Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng, người đã viết rất nhiều ca khúc về biên giới: “Nếu Tổ quốc là tình yêu bất tử/ Là cội nguồn vô tận của thơ ca/ Là gia tài truyền lại của ông cha/ Thì Biên giới - nơi bắt đầu Tổ quốc”…
- Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh có sáng tác ca khúc nào mới?
+ Tôi có đọc và rất thích bài thơ “Tượng đài trái tim” của Trần Vân Hạc, ca ngợi trái tim người chiến sĩ và bài thơ “Mạch ngầm đất Mẹ” của Vũ Tiến Dũng, ca ngợi những chiến sĩ tình báo thầm lặng. Tôi đã viết hai ca khúc phỏng lời những bài thơ trên. Hy vọng tới đây, những ca khúc này sẽ đến được với công chúng yêu nhạc…
- Cảm ơn Nhạc sĩ - Đại tá Vũ Đức Tạo. Chúc anh có nhiều ca khúc hay hơn nữa về biên giới và những ca khúc ấy sẽ được đông đảo công chúng đón nhận.
Phạm Học (Thực hiện)
Ý kiến ()