Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:29 (GMT +7)
Chủ động phương án phòng chống bão lụt cho hệ thống đê điều
Thứ 3, 16/05/2023 | 13:34:48 [GMT +7] A A
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 là năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh, trên phạm vi toàn quốc cũng như biển Đông, cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Để chủ động phòng chống thiên tai, nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó tăng cường đảm bảo an toàn đê điều được tỉnh Quảng Ninh chú trọng chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện.
Huyện Hải Hà có 35,97km đê cấp IV và V, tập trung ở 8 xã ven biển. Thời gian qua, các tuyến đê trên địa bàn đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đơn cử, đầu năm 2023, sau hơn 1 tháng thi công, công trình xử lý cấp bách sạt lở đê ở thôn 2, xã Đường Hoa hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, hơn 500m đê qua thôn 2 được đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn. Trước đó, trong năm 2022, tuyến đê biển xã Quảng Minh (thuộc dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh) được đầu tư nâng cấp, góp phần đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân và hàng nghìn ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Còn tại Quảng Yên có tổng gần 70km đê, trong đó đê cấp III là 33,67km; đê cấp IV 32,005km, đê cấp V là 3,3km, nằm trên 2 khu vực Hà Nam, Hà Bắc của thị xã. Khu vực Hà Nam có tuyến đê dài 33,67km, là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh, với nhiệm vụ bảo vệ hơn 5.100ha và gần 6 vạn người sinh sống trên đảo Hà Nam; với 2/3 diện tích tự nhiên trong đảo thấp hơn mực nước triều cường 5%, do đó mức độ ảnh hướng đến đời sống KT-XH là rất lớn nếu xảy ra vỡ đê.
Từ lâu tuyến đê Hà Nam (TX Quảng Yên) được xác định là trọng điểm số 1 trong công tác phòng, chống thiên tai hằng năm của tỉnh. Hiện toàn tuyến đã được tu bổ, nâng cấp. Tại một số vị trí mái phía biển là mái kè cũ đã hư hỏng xuống cấp, trong năm 2021-2022 đã thực hiện sửa chữa khoảng 1km, dự kiến năm 2023 tiếp tục sửa chữa khoảng 0,6km. Đối với hệ thống đê khu vực Hà Bắc là đê cấp IV và cấp V, có cao trình đỉnh trung bình từ +4,2m đến +4,8m, đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo hoạt động bình thường.
Không chỉ tuyến đê ở Hải Hà, Quảng Yên, những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước, đầu tư tu bổ, sửa chữa hệ thống đê điều trên địa bàn. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 364km đê các loại, trong đó có 1 tuyến đê cấp III (đê Hà Nam, TX Quảng Yên) dài 33,67km, các tuyến đê cấp IV dài trên 130km, còn lại các đê cấp V với tổng chiều dài gần 200km.
Năm 2022, toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình nâng cấp đê biển với 17/20 dự án (3 dự án không thực hiện nâng cấp do chuyển đổi mục đích sử dụng đối với khu vực bảo vệ và khu vực phía biển của tuyến đê nên không cần thiết đầu tư xây dựng). Đối với đê sông đã triển khai 1/3 dự án. Các tuyến đê cửa sông, đê biển trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đã có cây chắn sóng bảo vệ với mật độ mau, thưa khác nhau; chiều rộng bãi cây chắn sóng trong khoảng từ 10m-200m; nhiều tuyến đê có hệ thống rừng chắn sóng phát triển rất tốt, cây chắn sóng được mọc và phát triển lâu đời.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nhiều tuyến đê sau khi được nâng cấp, tăng khả năng chống chịu bão lên cấp 9, số còn lại khả năng chống bão từ cấp 6-8, tần suất triều cường từ 5-10%. Đê Hà Nam là tuyến duy nhất của tỉnh đạt tiêu chuẩn đê cấp III, hiện toàn tuyến đã được nâng cấp tổng thể và có khả năng chống bão cấp 10.
Cùng với việc đầu tư, tu bổ hệ thống đê điều, tỉnh cũng xây dựng công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu, lắp đặt hệ thống quan trắc mưa tự động, cảnh báo mưa lũ; xác định trọng điểm đê điều xung yếu và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm hàng năm.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí nên việc đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến đê thường gặp khó khăn, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, cần được tiếp tục quan tâm tu bổ. Đơn cử, tại huyện Hải Hà, đê xã Quảng Phong (huyện Hải Hà) hiện tại mới kiên cố được 2,8/5,9km; đê xã Đường Hoa hiện mới có gần 3/6,5km được sửa chữa, nâng cấp, các tuyến còn lại chưa được nâng cấp hiện đã bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Tại TP Móng Cái, đê xã Hải Xuân còn 3,8/13,5km đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, cần được đầu tư nâng cấp; đê phường Bình Ngọc còn 2,7/7km chưa được đầu tư nâng cấp, hiện trạng tuyến đã bị xuống cấp, đỉnh đê thấp, mái phía biển nhiều đoạn bị lún, sạt. Tại Hạ Long, đê Bắc Cửa Lục hiện có một số điểm tường chắn sóng bị đổ sập với tổng chiều dài khoảng 250m, một số vị trí mái phía biển bị sụt lún, hư hỏng cần được sửa chữa khắc phục kịp thời...
Việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sản xuất, đời sống nhân dân. Mới đây, trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đê trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT xây dựng phương án hộ đê năm 2023 báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Đối với trọng điểm cấp huyện do địa phương căn cứ tình hình thực tế xác định, xây dựng phương án phù hợp, an toàn.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()