Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:21 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Thứ 4, 07/09/2022 | 07:54:01 [GMT +7] A A
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu năm 2022. Đây là dịp lượng thực phẩm, đặc biệt là các loại bánh kẹo, nước giải khát được người dân tiêu thụ nhiều, đồng thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng gia tăng đưa ra thị trường nhiều loại thực phẩm để phục vụ cho ngày tết này.
Thực tế cho thấy, trước Tết Trung thu thị trường bánh trung thu đã rất sôi động, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Tuy vậy, tại một số địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc... lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ lượng lớn bánh trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật...
Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em trong dịp Tết Trung thu, ngành chức năng, trong đó nòng cốt là ngành y tế và các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
Trong công tác kiểm tra, thanh tra cần chú ý đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh mứt kẹo các loại, nhất là các loại bánh nướng, bánh dẻo và các loại nước giải khát. Đồng thời cũng chú trọng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ, các chợ truyền thống, các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; việc quảng cáo, bán hàng online trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Dịp này, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chủ động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, xác định sản phẩm không đảm bảo an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và các địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, nhất là các địa bàn biên giới, nơi có nhiều cửa khẩu, điểm thông quan.
Công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần được các ngành chức năng, địa phương tăng cường thực hiện trong dịp này. Trong đó chú trọng thông tin đến người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu về việc đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, cách nhận biết các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, cùng với đó là các chế tài, quy định xử lý đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chú trọng thông tin về các hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thường xuyên cập nhật danh sách các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của ngành chức năng, địa phương, để người dân nâng cao cảnh giác, không mua phải các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn đối với sức khỏe...
Tết Trung thu là tết cổ truyền của dân tộc, đặc biệt đây là ngày vui của trẻ em trong các gia đình. Vì vậy, để ngày tết này diễn ra thật sự vui vẻ, mang lại sự hứng khởi cho trẻ em, nhất là khi các em vừa bước vào năm học mới, các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị và địa phương cần phối hợp tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em thật sự vui vẻ, ý nghĩa, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, đặc biệt là an toàn về thực phẩm...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()