Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:18 (GMT +7)
Đảm bảo công tác an sinh xã hội
Thứ 5, 11/08/2022 | 06:48:01 [GMT +7] A A
Quan tâm, đầu tư cho công tác an sinh xã hội luôn là vấn đề được Quảng Ninh quan tâm trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, mà còn giúp xóa dần khoảng cách chênh lệch vùng, miền, giữa khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn.
Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các đối tượng chính sách, yếu thế... Tiêu biểu là Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, việc đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được quan tâm. Năm 2022, tỉnh phân bổ 400 tỷ đồng thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo để xây dựng mới 15 công trình phục vụ đời sống nhân dân. Tính đến ngày 27/7, toàn tỉnh đã giải ngân được 319 tỷ đồng, đạt 80% chỉ tiêu kế hoạch giao. Ngoài ra với 50 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân vay phát triển kinh tế, đến thời điểm hiện tại cùng đã giải ngân xong.
Các địa phương cũng đã linh hoạt lồng ghép nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn. Trong 500 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh phân bổ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 hiện đã giải ngân gần 236 tỷ đồng; 80/82 công trình nông thôn mới năm 2022 đã khởi công.
Cùng với đó, Quảng Ninh còn quan tâm, chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh tiếp tục tổ chức thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có công trong các dịp lễ, tết... Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đã có 275.445 suất quà với tổng số tiền 135,5 tỷ đồng được trao, tặng cho các đối tượng. Cùng với đó, tỉnh còn thực hiện đầy đủ các chính sách với người có công, bảo trợ xã hội theo quy định.
Để đảm bảo công tác an sinh xã hội lâu dài, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành BHXH và các sở, ngành, địa phương tích cực vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 268.835 người tham gia BHXH, trong đó 20.322 người tham gia BHXH tự nguyện, 237.155 người tham gia BHTN, 1.257.821 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,3% dân số trên địa bàn.
Các chế độ chính sách liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện đảm bảo. 6 tháng năm 2022, đã giải quyết hưởng chế độ BHXH cho 5.432 người; xét duyệt chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 89.067 lượt người; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hưởng mới cho 2.879 người. Hiện BHXH tỉnh đang thực hiện chi trả chế độ BHXH hàng tháng thường xuyên cho 124.970 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH trên địa bàn tỉnh.
Trước hoàn cảnh nhiều đơn vị, doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương. 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 490.685 người và 6.350 người sử dụng lao động với tổng số tiền hỗ trợ hơn 738.300 triệu đồng; tiếp nhận, hỗ trợ cho 81 lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...
Bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành... MTTQ, các hội đoàn thể và người dân cũng tích cực vào cuộc cho công tác an sinh xã hội, như: Thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp công sức tiền của cho chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tính đến giữa tháng 7/2022, MTTQ các cấp, các hội, đoàn thể đã vận động tiếp nhận hỗ trợ từ đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân với tổng số 20 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng 16 nhà ở cho hộ khó khăn với kinh phí khoảng 800 triệu đồng; toàn tỉnh hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 322 hộ khó khăn về nhà ở tại huyện Bình Liêu và Ba Chẽ; Khối MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội hỗ trợ huyện Ba Chẽ và huyện Bình Liêu xây dựng 827 nhà tiêu hợp vệ sinh...
Cùng với đó, chương trình việc làm, cho vay vốn tạo việc làm cũng được tỉnh, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 6.000 lao động, từ đó giúp các gia đình ổn định cuộc sống.
Việc chăm lo công tác an sinh xã hội của tỉnh đã góp phần ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 0,41% cuối năm 2021 hiện còn 0,36%. Thành quả này càng tạo thêm động lực để người dân thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn trong những năm tới.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()