Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:13 (GMT +7)
Đảm bảo đồ phòng hộ, trang thiết bị cho tuyến đầu chống dịch
Thứ 6, 03/09/2021 | 14:25:22 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, việc đảm bảo trang thiết bị, đồ bảo hộ cho các y, bác sĩ đang căng sức nơi tuyến đầu, trực tiếp điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân… là vấn đề bức thiết.
Nguy cơ lây nhiễm
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 29/8, hơn 16.000 chuyên gia, y bác sĩ cùng hàng tấn trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã được Bộ Y tế huy động vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.
Ở tâm dịch, nhất là tại các khu điều trị bệnh nhân nặng, dù các bệnh viện đã nỗ lực đảm bảo trang thiết bị phòng hộ tốt nhất cho cán bộ y tế đang làm việc trực tiếp, nhưng nguy cơ lây nhiễm cũng vẫn luôn thường trực.
“Các cán bộ y tế làm việc ở vị trí lấy mẫu xét nghiệm, trực tiếp thăm khám người bệnh COVID-19; cán bộ y tế làm việc tại các trung tâm hồi sức tích cực (ICU)… rất dễ bị lây nhiễm do tiếp xúc gần với người bệnh. Tại các ICU, lúc thao tác đặt nội khí quản hay các thủ thuật cho bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế đối mặt với tình trạng virus từ bệnh nhân phát tán rất mạnh với tải lượng lớn, dễ xâm nhập xuyên qua khẩu trang nếu khẩu trang không đảm bảo. Đặc biệt, nếu không có đủ trang thiết bị bảo hộ đảm bảo, có chất lượng thì nguy cơ lây nhiễm rất cao”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định.
Thực tế, theo PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, đến giữa tháng 8/2021, đã có khoảng 2.400 nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19, trong đó có 2 trường hợp tử vong. “Đây là nỗi xót xa, trăn trở lớn của ngành y tê”, PGS.TS Phạm Thanh Bình cho biết.
Hiện nay, khi cử cán bộ đi các tỉnh hỗ trợ chống dịch, các bệnh viện vẫn tự trang bị cho nhân viên đồ bảo hộ như: Khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, kính chống giọt bắn… Một số bệnh viện khi cử các đoàn cán bộ y tế vào miền Nam chống dịch, cũng gửi đi kèm hàng tấn trang thiết bị, máy móc phục vụ điều trị người bệnh COVID-19 cùng nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Tại Bệnh viện K, Ths.BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng cho biết: “Số trang thiết bị bảo hộ mà bệnh viện trang bị cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch vẫn đủ dùng trong tháng tới và bệnh viện vẫn sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ nếu có nguồn từ các nhà tài trợ”.
Tuy nhiên, cũng có bệnh viện khi gấp gáp cử cán bộ đi thì chưa kịp trang bị đủ trang thiết bị bảo hộ trong thời gian dài, phải kêu gọi và mua sắm dần. Đây là vấn đề khó khăn, nhất là trong bối cảnh chính các cơ sở điều trị ở các địa phương điểm nóng dịch cũng đang thiếu các trang thiết bị phòng hộ. Đơn cử như một số bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, vẫn còn thiếu và đang kêu gọi hỗ trợ khẩu trang y tế N95, bộ đồ bảo hộ cấp 4, kính chắn giọt bắn …; nhất là các trung tâm hồi sức tích cực với nhu cầu sử dụng rất lớn tới hàng nghìn khẩu trang, áo bảo hộ mỗi ngày.
Đại diện một bệnh viện cử cán bộ y tế đi chi viện chia sẻ: “Hiện nay, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tham gia chống dịch được bệnh viện tự mua sắm bằng nguồn kinh phí của đơn vị. Các nhân viên tham gia chống dịch tại các địa phương, bệnh viện phải mua theo đợt để gửi vào”.
Thấu hiểu tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu, nhiều chương trình thiện nguyện, nhiều nhà hảo tâm đã kêu gọi cộng đồng đóng góp để mua trang thiết bị bảo hộ gửi vào các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, tương tự như một số bệnh viện huy động các nguồn hỗ trợ bên ngoài, có nhiều đồ bảo hộ không đạt chuẩn, không đảm bảo chất lượng.
“Trong lúc tuyến đầu vẫn đang thiếu, thì có nhiều lô đồ bảo hộ được tặng, bệnh viện vẫn đành cất kho vì không đạt tiêu chuẩn, không thể đảm bảo tránh lây nhiễm cho các y bác sĩ tuyến đầu”, đại diện một bệnh viện cho biết.
Theo Ths.Bs Nguyễn Bá Tĩnh, các trang thiết bị như: Khẩu trang N95, kính chắn giọt bắn, quần áo bảo hộ cấp 4 là “tấm khiên” quan trọng để phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế tuyến đầu. Đặc biệt, khẩu trang N95 phải là sản phẩm đạt chuẩn mới có thể phòng lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Các nguồn hỗ trợ bên ngoài nên tham khảo ý kiến của các cơ sở y tế, không nên tự ý mua đồ bảo hộ để tránh hàng kém chất lượng, không thể sử dụng.
Yêu cầu tuyệt đối không để thiếu
“Không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu quyết tâm, nhằm bảo đảm song song hai nhiệm vụ: Điều trị cho bệnh nhân và bảo vệ đội ngũ thầy thuốc.
Hiện nay, ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng. Bộ Y tế cũng cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng đã yêu cầu, hướng dẫn việc kịp thời mua sắm đủ thiết bị bảo hộ cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, trong đó có tỷ lệ dự phòng để sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương, tại tỉnh Đồng Nai: Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, chúng tôi đặt tiêu chí đầu tiên là an toàn. Phải đảm bảo an toàn thì mới có thể bảo toàn lực lượng y tế để đương đầu với dịch bệnh, cứu chữa bệnh nhân. Với các nguồn hỗ trợ khác, chúng tôi chỉ tiếp nhận những trang thiết bị đạt tiêu chuẩn. Khi có sự ủng hộ từ các nguồn chúng tôi đều trao đổi để có thể mua sắm được hàng đạt chuẩn, bảo vệ nhân viên y tế tốt nhất.
Bộ Y tế đã lên danh sách các đơn vị sản xuất đồ bảo hộ đạt tiêu chuẩn để các Sở Y tế và các bệnh viện chủ động liên hệ, có kế hoạch mua sắm trang bị phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường đôn đốc các đơn vị sản xuất, cung ứng trang thiết bị bảo hộ trên địa bàn, ổn định sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường theo hướng bảo đảm chất lượng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm. Mặt khác, ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương cũng kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng kém chất lượng, tăng giá bất hợp lý…
“Thời gian qua, Bộ Y tế đã chuẩn bị tích cực về trang thiết bị đáp ứng chống dịch. Đặc biệt, đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế giao bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Để đảm bảo trang thiết bị phục vụ chống dịch, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động mua sắm phục vụ phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.
Căn cứ phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh, Bộ Y tế xác định số lượng, chủng loại một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cần mua để phòng chống dịch tại một số vùng, khu vực bị ảnh hưởng nặng của dịch và hỗ trợ cho một số địa phương, đơn vị…
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()