Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:36 (GMT +7)
Đảm bảo nguồn nước sạch nông thôn
Thứ 5, 13/10/2022 | 13:44:48 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của gia đình, cộng đồng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn an toàn, bền vững. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Với các mục tiêu cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn tỉnh Quảng Ninh tại Quyết định số 4988/QD-UBND ngày 25/12/2017 với các nội dung như: Đánh giá hiện trạng các hệ thống cấp nước hiện có và đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; xác định, phân tích và đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước; xác định các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục rủi ro; lập kế hoạch ứng phó sự cố, biến đổi, mất kiểm soát và các tình huống khẩn cấp; xây dựng các tiêu chí, chỉ số để giám sát, kiểm soát.
Thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước các sông, hồ chứa, theo đó, yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất phát sinh nước thải phải xử lý đạt quy chuẩn môi trường cột A khi xả vào lưu vực nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt. Định kỳ việc kiểm tra, rà soát từ khu vực thu nước đến thượng nguồn của nguồn nước xác định các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra chất lượng nước tại các hồ chứa, sông, suối chảy vào hồ chứa; kiểm tra các nhà máy, khu công nghiệp có nguồn nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao, xử lý kịp thời các trường hợp gây ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp theo quy định.
Đối với các địa phương, yêu cầu phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với những sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nếu để ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu nguồn và hồ chứa nước trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn của các hồ chứa đa chức năng trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, khắc phục các tồn tại về môi trường tại các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, làng nghề, bãi chôn lấp, nghĩa trang, ảnh hưởng đến nguồn nước. Các công ty thủy lợi, đơn vị quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn tăng cường quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp do đơn vị quản lý.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của nguồn nước; từng bước làm thay đổi thói quen và hành vi sử dụng nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ chống suy thoát, cạn kiệt nguồn nước, bảo vệ công trình hồ chứa; tuyên truyền về các chế độ, chính sách để thu hút vào lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn và sản xuất, kinh doanh nước sạch; tăng cường thanh, kiểm tra kiểm soát, phát hiện, xử lý các hoạt động khai thác tài nguyên, sản xuất... ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Mặc dù hết năm 2021, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đối với các hộ gia đình khu vực nông thôn đạt 99,89%, hộ nghèo đạt 98,04%, hộ dân tộc thiểu số đạt 99,26%; tỷ lệ sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT tương ứng lần lượt là 79,8% hộ gia đình, 15,34% hộ nghèo và 42,15% hộ dân tộc thiểu số, tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác cấp nước nông thôn hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng nước thải, rác thải của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và sinh hoạt trên thượng nguồn xử lý chưa triệt để xả ra môi trường, là nguyên nhân gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cấp. Một số hồ đập nhỏ do có tỷ lệ rừng sản xuất lớn nằm trong vùng sinh thủy, nên chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình khai thác rừng sản xuất, thường có tình trạng thiếu nước vào mùa khô...
Bên cạnh đó, hiện nay các công trình cấp nước tập trung nông thôn có tỷ lệ người dân sử dụng nước thấp hơn nhiều so với thiết kế. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của việc dùng nước sạch, mà vẫn giữ thói quen dùng các nguồn nước hiện có (giếng khoan, giếng đào, nước mưa...). Vẫn còn một bộ phận người dân còn tâm lý trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, đặc thù các công trình cấp nước phục vụ nhu cầu của người dân khu vực nông thôn, dân cư phân tán, địa hình phức tạp, tỷ lệ thất thoát lớn, chi phí quản lý vận hành cao, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý khai thác do nguồn thu phí sử dụng nước từ các trạm cấp nước thấp, không đủ để chi trả cho hoạt động quản lý, vận hành và bảo trì công trình. Việc quản lý, khai thác công trình cấp nước sau đầu tư hiện chưa có quy định cụ thể về việc quản lý, khai thác (định mức quản lý, khai thác; phương pháp xác định giá nước) cũng dẫn đến hạn chế nhất định.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước tập trung, qua rà soát của cơ quan chức năng cho thấy tỷ lệ các công trình cấp nước tập trung không bền vững, không hoạt động vẫn còn cao (trên 20%). Cụ thể, có 31/209 công trình bền vững (14,83%); 132/209 công trình tương đối bền vững (63,16%); 36/209 công trình không bền vững (17,22%); 10/209 công trình không hoạt động (4,78%).
Để khắc phục tồn tại, hạn chế đó, trong thời gian tới các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ các công trình cấp nước; tiếp tục quan tâm khảo sát, đầu tư công trình nước sạch đạt quy chuẩn cũng như cải tạo, nâng cấp, nâng cao tối đa hiệu quả đầu tư công trình đã có.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()