Tất cả chuyên mục

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng bê tông thương phẩm phục vụ xây dựng các công trình ngày một nhiều. Vấn đề đặt ra là chất lượng nguồn bê tông thương phẩm, theo đó rất cần siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng của tỉnh, đảm bảo thi công các công trình đạt chất lượng cao.
Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh có 85 trạm trộn bê tông xi măng thương phẩm và bê tông nhựa, nằm rải rác từ TP Móng Cái đến TX Đông Triều, phục vụ nhu cầu thi công xây dựng của nhà nước và tư nhân. Trong đó, TP Hạ Long có 24 trạm trộn, TP Cẩm Phả 8 trạm trộn, TX Quảng Yên 7 trạm trộn, TX Đông Triều 4 trạm trộn, huyện Vân Đồn 4 trạm trộn…
Những trạm trộn bê tông được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép hoạt động tại địa bàn khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công trường thi công xây dựng. Trước nhu cầu tăng cao trong sử dụng bê tông thương phẩm, Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 116/SXD-KT&VLXD (ngày 13/3/2022) về “Tăng cường quản lý chất lượng vật liệu tại các trạm trộn bê tông, bến bãi tập kết vật liệu và vật liệu sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh”. Cùng với đó, thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu vật liệu đầu vào (đá, cát, xi măng, nước) đối với 58 trạm trộn bê tông xi măng thương phẩm và 9 trạm trộn bê tông nhựa. Trong đó, đã lấy mẫu ở 22/24 trạm tại TP Hạ Long, 8/8 trạm tại TP Cẩm Phả, 7/7 trạm tại TX Quảng Yên, 4/5 trạm tại huyện Vân Đồn, 2/2 trạm tại huyện Tiên Yên, 2/3 trạm tại huyện Hải Hà, 4/4 trạm tại TP Móng Cái.
Qua đánh giá của Sở Xây dựng, cơ bản các trạm trộn bê tông chấp hành theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước về nguồn gốc, xuất xứ vật liệu xây dựng đầu vào, chất lượng tương đối ổn định, đảm bảo chất lượng bê tông đầu ra đạt yêu cầu theo TCVN 3118:1993, TCVN 3116:1993. Đá sử dụng trong sản xuất bê tông tại các trạm trộn chủ yếu được lấy tại các đơn vị khai thác, sản xuất đá trên địa bàn tỉnh, như: Mỏ đá Phương Nam (TP Uông Bí), đá khu vực Hoành Bồ, ngoài ra còn sử dụng đá tại các tỉnh Hải Dương, Hà Nam; cát được sử dụng từ nguồn cát Sông Lô, cát Cầu Cầm, cát Nghệ An, Quảng Bình, cát nhân tạo của Công ty CP Thiên Nam, cát nhân tạo từ các mỏ đá khu vực Hà Nam; xi măng cơ bản được các trạm trộn nhập về từ xi măng Cẩm Phả, xi măng Thăng Long, xi măng Vicem Hạ Long, xi măng The Vissai Ninh Bình; nhựa đường chủ yếu dùng nhựa đường của Petrolimex; nước chủ yếu dùng từ nguồn nước máy, giếng khoan.
Tuy nhiên, qua quá trình kiểm định chất lượng cho thấy, một số mẫu vật liệu xây dựng đầu vào không đạt. Trong tổng số 156 mẫu đá được kiểm định thì có 121 mẫu không đạt tiêu chuẩn về thành phần hạt; 98/181 mẫu cát các loại không đạt tiêu chuẩn về thành phần hạt, trong đó có 9 mẫu cát bê tông không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng chung bụi, bùn, sét.
Ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Từ những kết quả kiểm tra, kiểm định trên, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát quy định pháp luật về công tác quản lý và sử dụng vật liệu xây dựng tại các trạm trộn bê tông xi măng, bê tông nhựa trong đầu tư xây dựng; theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình về hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong kiểm tra chất lượng và nguồn gốc vật liệu đầu vào để sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng cung cấp cho các công trình.
Để đảm bảo chất lượng các công trình, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất xi măng thương phẩm hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ về quy hoạch, thiết kế, cấp phép, môi trường, đất đai theo quy định; chấp hành nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 10/CT-UBND (ngày 14/8/2020) của UBND tỉnh, đặc biệt là sản xuất bê tông thương phẩm phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc và đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, phải thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới dây truyền công nghệ, sử dụng vật liệu đầu vào có đầy đủ chứng từ hóa đơn, nguồn gốc và đảm bảo chất lượng theo quy định.
Ý kiến ()