Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 02:21 (GMT +7)
Đảm bảo ổn định sau sáp nhập thôn, bản, khu phố
Thứ 6, 13/05/2022 | 09:06:09 [GMT +7] A A
Nhằm tiếp tục sắp xếp tổ chức cộng đồng dân cư phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung rà soát, xây dựng phương án, thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đến nay các bước triển khai đều được đa số người dân ủng hộ và đồng thuận.
Theo kết quả rà soát của các địa phương, toàn tỉnh hiện có 1.543 thôn, bản, khu phố. Trong đó có 177 thôn, bản, khu phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn thuộc diện phải sắp xếp; 405 thôn, bản, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn; 961 thôn, bản, khu phố đạt từ 100% tiêu chuẩn trở lên. Trên cơ sở tổ chức lấy ý kiến, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, các địa phương đề xuất số lượng thôn, bản, khu phố sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập là 182 thôn, bản, khu phố và đổi tên 1 thôn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 83 phương án nhập 2 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn, bản, khu phố; 7 phương án nhập 3 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn bản, khu phố và 1 phương án nhập 4 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn, bản khu phố.
Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập và đổi tên, toàn tỉnh giảm 91 thôn, bản, khu phố, còn lại tổng số 1.452 thôn, bản, khu phố. Đối với 91 thôn, bản, khu phố hình thành sau sắp xếp, sẽ có 60 thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn, còn 31 thôn, bản, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Thực tế tại Bình Liêu cho thấy 7/7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có thay đổi phương án sắp xếp, sáp nhập so với trước. Theo đó toàn huyện có 35 thôn, bản, khu phố thực hiện sắp xếp, sáp nhập thành 17 thôn, bản, khu phố. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, trên địa bàn huyện dự kiến sẽ giảm 18 thôn, bản, khu phố (từ 104 thôn, bản, khu phố xuống còn 86 thôn, bản, khu phố). Cùng với đó, các xã, thị trấn có một số cặp thôn, bản chưa thực hiện sáp nhập đợt này cũng xây dựng phương án để thực hiện giai đoạn sau như: Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động; thị trấn Bình Liêu.
Chia sẻ về quá trình thực hiện tại địa phương, Bí thư Huyện uỷ Binh Liêu Dương Mạnh Cường nhấn mạnh: Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, bản, khu phố, huyện Bình Liêu đã quán triệt, phổ biến, xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn trên địa bàn các xã, thị trấn năm 2022. Đến nay đã tiến hành hướng dẫn, thực hiện quy trình lập hồ sơ, thủ tục đề nghị sắp xếp, tổ chức lại thôn, bản, khu phố và lấy ý kiến của người dân về việc thực hiện chủ trương. Hiện các xã, thị trấn đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về đề án và hầu hết cử tri đều đồng ý, trong đó một số xã có tỷ lệ cử tri đồng ý cao, đạt từ 80-100%.
Tương tự, tại huyện Ba Chẽ, trong lần thực hiện sắp xếp, sáp nhập này, toàn huyện sẽ sắp xếp, sáp nhập 14 thôn để thành lập 7 thôn. Sau khi sáp nhập, toàn huyện sẽ giảm 7 thôn, còn lại 66 thôn, bản, khu phố. Đến thời điểm này, các bước quy trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đã được huyện đẩy nhanh triển khai.
Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tích cực rà soát, xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân ở các đơn vị thực hiện sáp nhập và tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua. Phương án sáp nhập thôn, bản, khu phố của các xã, phường, thị trấn đều nêu rõ thực trạng từng khu dân cư và dựa trên vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt, thuận tiện cho việc phát triển KT-XH, ổn định đời sống của người dân, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã.
Đối với những thôn, tổ dân phố có số hộ gia đình không đủ theo tiêu chuẩn, nhưng không thể sáp nhập với các thôn khác đều đã nêu rõ lý do như địa hình chia cắt, địa bàn rộng, khác nhau về phong tục tập quán... Trong quá trình xin ý kiến cử tri, đã đảm bảo phát huy dân chủ theo quy định pháp luật, với tỷ lệ cử tri ủng hộ, đồng thuận cao.
Cùng với thực hiện các bước chuẩn bị cho sắp xếp, sáp nhập, để động viên, khuyến khích những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố đồng thuận và đảm bảo giải quyết kịp thời, thỏa đáng chế độ, chính sách đối với các đối tượng chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã xây dựng chính sách riêng để hỗ trợ đối với những đối tượng này. Chính sách đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Dự kiến kinh phí chi trả đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố là trên 5 tỷ đồng và thực hiện đến ngày 31/12/2025.
Có thể thấy, sáp nhập các thôn, bản khu phố sẽ góp phần giúp các địa phương huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng KT-XH, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, tránh sự dàn trải và lãng phí đầu tư. Việc cơ cấu lại ngành nghề ở nông thôn cũng thuận lợi hơn, bởi quy mô dân số lớn, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tạo điều kiện cho người dân hợp tác sản xuất, dồn điền đổi thửa, tạo chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung.
Quan trọng hơn cả, việc sáp nhập các thôn, bản, khu phố làm tăng tính tự quản của người dân, tạo sức mạnh triển khai các hoạt động, phong trào ở địa phương; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ, thuận lợi hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các các chỉ tiêu KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()