Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 20:20 (GMT +7)
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa
Thứ 7, 16/11/2024 | 14:02:06 [GMT +7] A A
Xây dựng đời sống văn hóa được tỉnh quan tâm triển khai toàn diện, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò chủ thể của người dân ngày càng được khẳng định rõ nét, thông qua nhiều mô hình, cách làm sáng tạo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa, những năm qua các địa phương, cơ sở trong toàn tỉnh luôn chú trọng xây dựng, bổ sung, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Văn bản này là sản phẩm của trí tuệ và tinh thần đoàn kết, do người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, góp ý kiến, thỏa thuận để đi đến thống nhất. Khi được UBND xét duyệt và ban hành theo quy định, hương ước và quy ước trở thành công cụ để nhân dân phát huy tinh thần tự quản, mang ý nghĩa như một “kim chỉ nam” để mọi người có ý thức trách nhiệm trong tham gia các công việc chung, nhất là thực hiện nếp sống văn minh.
Thực hiện hương ước, quy ước ở xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) gắn với triển khai các phong trào, cuộc vận động hướng về địa bàn dân cư, huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân. Ông Tằng Vằn Dào, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, cho biết: Nội dung quy ước của các thôn được xây dựng, xét duyệt kỹ, bám sát đặc thù xã thuộc vùng DTTS, giáp biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Như việc quy định mọi người dân khi canh tác trên nương, trên rừng phải theo hướng dẫn của kiểm lâm; khai thác phải bảo vệ rừng đầu nguồn, cây dược liệu... Trong sinh hoạt hằng ngày phải có trách nhiệm tham gia giữ mối quan hệ hữu nghị với các làng bản bên Trung Quốc; đồng thời phải giúp đỡ lực lượng công an, biên phòng giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...
Vai trò chủ thể của người dân trước hết thể hiện ở việc phát huy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong các công việc, hoạt động tại địa phương; từ việc được thông tin về các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến quyền được bàn bạc, quyết định, thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương triển khai. Trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là việc ứng xử, giao tiếp, ăn ở, đi lại, cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ dần những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; bảo vệ ANTT, quản lý tài sản chung, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển phong trào TDTT, VHVN quần chúng...
Sức lan tỏa mạnh của các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn văn minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”... cho thấy rõ sức mạnh từ vai trò chủ thể của nhân dân. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, nhiều chỉ tiêu mà tỉnh đề ra đã cán đích. Cụ thể: 100% học sinh phổ thông các cấp học được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, di sản văn hóa; tỷ lệ người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 40,8%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 24%; các sự kiện, hoạt động thể thao phát triển mạnh mẽ, đa dạng, được tổ chức thường xuyên ở các cấp, góp phần nâng cao sức khỏe và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội...
Công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm kịp thời, kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích... Các giá trị văn hóa từng bước thấm sâu vào mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư.
Ngày 30/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Trong đó xác định có 3 khâu đột phá gồm:
(1) Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể - nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;
(2) Xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trọng tâm là phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân;
(3) Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()