Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:18 (GMT +7)
Đảm bảo tăng trưởng kinh tế quý II
Thứ 4, 10/04/2024 | 09:07:34 [GMT +7] A A
Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong điều kiện chịu nhiều tác động, khó khăn chung của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, ở một địa bàn có quy mô kinh tế lớn thứ 3 phía Bắc, đà tăng trưởng 2 con số trong 9 năm liên tiếp. Để giữ được đà tăng trưởng, tỉnh bám sát sự chỉ đạo của trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Kết thúc quý I/2024 Quảng Ninh nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP (8,79%).
Đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI
Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024" đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp ngay từ những ngày đầu của năm. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3838/QĐ-UBND (ngày 12/12/2023), giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu thu hút tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng ít nhất 10% so với năm trước. Trong đó thu hút đầu tư FDI 3,5 tỷ USD, thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách 61.500 tỷ đồng; trên cơ sở đó giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh thu hút vốn FDI là 0,5 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách (trong nước) ít nhất 6.500 tỷ đồng; BQL KKT tỉnh thu hút vốn FDI là 3 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách (trong nước) ít nhất 55.000 tỷ đồng.
Tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục tập trung công tác CCHC, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, đẩy nhanh tiến độ GPMB… nhằm nắm bắt thời cơ, đón đầu, thu hút làn sóng dịch chuyển vốn FDI. Quảng Ninh đang tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Nhờ đó, kết thúc quý I/2024 Quảng Ninh là địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư FDI, đạt 683,9 triệu USD, bằng 22,8% kế hoạch. Toàn tỉnh có 13 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 632,7 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn dự án với số vốn tăng thêm trên 51,1 triệu USD. Các dự án tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh chủ yếu từ các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Trong đó Hồng Kông dẫn đầu với 465,7 triệu USD, chiếm 68,1% tổng vốn đầu tư thu hút FDI vào Quảng Ninh.
Ông Tsuchimochi Atsusi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam, cho biết: Chúng tôi đánh giá cao những lợi thế của Quảng Ninh trong thu hút các dự án đầu tư, nhất là lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Vì vậy chúng tôi đã quyết định triển khai Dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) với công suất thiết kế 930 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 57 triệu USD. Ngay sau khi được tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cuối tháng 2/2024, chúng tôi đã tích cực triển khai dự án, phấn đấu đưa nhà máy vào hoạt động trong tháng 1/2026 theo kế hoạch. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ góp phần tích cực giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, thu hút thêm các nhà đầu tư Nhật Bản tới Quảng Ninh.
Kết quả thu hút vốn FDI trong quý I/2024 đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Quảng Ninh. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án tại Quảng Ninh.
Tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực
Thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Quảng Ninh đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn đan xen. Bám sát điều hành của Chính phủ, tỉnh quyết liệt chỉ đạo, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ đầu năm, bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Ninh có nhiều điểm sáng với hầu hết các lĩnh vực duy trì nhịp độ tăng trưởng.
Nổi bật, tốc độ tăng trưởng công nghiệp quý I đạt 7,68%, chiếm tỷ trọng 48,3%. Đáng chú ý, các ngành công nghiệp khai khoáng; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng; chế biến, chế tạo; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải đều duy trì tăng trưởng.
Với mục tiêu “An toàn - Đoàn kết - Phát triển - Hiệu quả”, TKV chuẩn bị tốt diện sản xuất, phát động các phong trào thi đua trong lao động, chỉ đạo đẩy mạnh ra than trong tháng 3 để bù đắp sản lượng thiếu hụt cho tháng 2 có ngày sản xuất thấp, đẩy nhanh tốc độ ra than vỉa chính trong những tháng mùa khô, tăng cường nhập khẩu than để pha trộn với than trong nước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ… Quý I/2024 TKV sản xuất than nguyên khai đạt 9,7 triệu tấn, bằng 25% kế hoạch năm, bằng 100% so với cùng kỳ; than thương phẩm 13,4 triệu tấn, bằng 26% kế hoạch năm, bằng 114% so với cùng kỳ; than tiêu thụ 12,2 triệu tấn, bằng 24,5% kế hoạch năm, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng những tháng đầu năm nay.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong các ngành công nghiệp với mức 25,95%. Để có sự tăng trưởng này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu đơn hàng, duy trì làm việc xuyên Tết, mở rộng thị trường xuất khẩu… Nhờ đó có 9/14 sản phẩm chủ yếu đạt và vượt kế hoạch: Sợi bông cotton, tấm silic, tấm sàn vinil tines, tấm quang năng, dầu thực vật…
Ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên), cho biết: Sau thời gian đi vào hoạt động ổn định, năm 2024 chúng tôi tăng tốc sản xuất để hoàn thành doanh thu 2,4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2023, đóng góp vào tăng trưởng cho ngành chế biến, chế tạo của tỉnh. Ngay từ những tháng đầu chúng tôi duy trì hoạt động của tất cả các dây chuyền; duy trì trên 80% công nhân lao động làm xuyên Tết.
Ngành Du lịch tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 3 tháng đầu năm đạt 5,3 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1,26 triệu lượt, tăng 310% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 10.284 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Đạt được kết quả này, cùng với khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông đồng bộ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đầu tư cơ sở dịch vụ chất lượng cao, Quảng Ninh chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mang đặc trưng riêng. Tỉnh đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành uy tín trong và ngoài nước; đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế đến khảo sát, tuyên truyền về du lịch Quảng Ninh… Bên cạnh duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, từ đầu năm đến nay tỉnh phối hợp đăng cai tổ chức nhiều hoạt động mang tầm quốc tế, thu hút du khách trong và ngoài nước, quảng bá du lịch. Có thể kể đến: Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024; trình diễn máy bay thương mại của Tập đoàn COMAC (Trung Quốc); hành trình khám phá Đông Nam Á của đoàn xe ô tô cổ của CLB Rally The Globe (Anh)… Quý I/2024 Quảng Ninh tiếp tục đón khoảng 30 chuyến tàu biển cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long từ các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ… với trên 30.000 du khách.
Những kết quả đạt được quý I là tiền đề để Quảng Ninh vượt qua thách thức, đảm bảo tăng trưởng kinh tế quý II đạt 9,2%, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt khoảng 9% và cả năm đạt trên 10%, hoàn thành mục tiêu liên tục một thập niên đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Hạ An - Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()