Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:52 (GMT +7)
Đảm bảo tốc độ tăng trưởng năm 2022: Ưu tiên cho những khâu yếu, việc khó
Thứ 6, 08/07/2022 | 14:20:56 [GMT +7] A A
Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 3,28%, thấp hơn 0,91 điểm so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 0,55 điểm so với kịch bản tăng trưởng. Để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp cả năm là 4,5%, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là khá nặng nề; cần phải có những giải pháp mang tính đột phá, tháo gỡ các "nút thắt".
Một số kết quả, chỉ tiêu đáng chú ý
Những điểm nhấn của bức tranh nông nghiệp 6 tháng đầu năm toàn tỉnh: Tổng sản lượng lương thực trên 101.000 tấn; tổng đàn gia súc gia cầm: 27.800 con trâu, 31.300 con bò, 272.000 con lợn, 4,1 triệu con gà; tổng sản lượng thịt xuất chuồng 51.700 tấn, tăng 7%; tổng diện tích trồng rừng tập trung 8.800ha, trong đó 1.426ha các cây lim, giổi, lát; tổng sản lượng gỗ khai thác 410.000m3, tăng 24%; tổng sản lượng thủy sản 73.000 tấn, tăng 9% (khai thác 35.000 tấn, nuôi trồng 38.000 tấn).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,28%, thấp hơn 0,91 điểm % so với cùng kỳ , thấp hơn 0,55 điểm % so với kịch bản, chiếm tỷ trọng 5,1% trong GRDP, đóng góp 0,16 điểm % trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Theo đánh giá của đơn vị chuyên môn, các chỉ số sản xuất nông nghiệp 6 tháng qua không quá thấp về số lượng nhưng lại thấp về giá trị. Nguyên nhân do giá thu mua của nhiều loại nông sản chủ lực giảm sâu. Đơn cử như nhuyễn thể, sản lượng đạt trên 15.000 tấn, tăng trên 10%, song giá bán lại giảm đến 60%. Cùng với đó chi phí đầu vào của nông nghiệp, như các loại vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, chi phí nhân công, vận chuyển… tăng cao.
Các chỉ tiêu cụ thể tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp: Gỡ thẻ vàng IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp và không khai báo); sản lượng 25.000 tấn tôm nuôi; trồng 2.500ha rừng các cây lim, giổi, lát; thay thế phao xốp bằng phao nổi chuẩn HDPE… được triển khai tích cực, có chỉ tiêu đạt kết quả khả quan.
Cụ thể: Hoàn thành 8/9 cảnh báo IUU, còn 1 một cảnh báo chưa được, là công bố cảng cá Cái Rồng (huyện Vân Đồn); sản lượng tôm nuôi trên 11.600 tấn (ước vụ tôm hè thu và vụ tôm đông có thể đảm bảo sản lượng theo kế hoạch năm); trồng trên 1.426ha rừng cây lim, giổi, lát (kế hoạch tỉnh giao cả năm là 2.000ha; kế hoạch phấn đấu của ngành là 2.500ha); thay thế phao xốp mới đạt gần 30%...
Gỡ những "nút thắt"
Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của tỉnh: Giá trị sản xuất gia tăng tối thiểu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,5%; trong đó nông nghiệp 4,36%, lâm nghiệp 18,27%, thủy sản 5,41%. Để đạt được mục tiêu này, theo tính toán, 6 tháng cuối năm ngành Nông nghiệp phải đạt các thông số: Sản lượng lương thực 126.000 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 106.900 tấn; trồng rừng tập trung 3.900ha (gần 1.100ha cây lim, giổi, lát); sản lượng khai thác gỗ khoảng 225.000m3; sản lượng thủy sản khoảng 84.000 tấn. Đây có thể nói là nhiệm vụ khá nặng nề.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh và tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây trồng vật nuôi như 6 tháng đầu năm thì vấn đề của ngành Nông nghiệp tỉnh 6 tháng cuối năm là công tác đầu ra cho nông sản. Liên quan đến vấn đề này là nhiều bài toán mà ngành phải chủ động giải quyết hoặc phối hợp giải quyết.
Ở lĩnh vực thủy sản, "nút thắt" để nâng giá trị, tốc độ tăng trưởng là việc quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản để giảm tải môi trường nuôi; giám sát vùng nuôi, cấp mã vùng nuôi trồng, củng cố, chấn chỉnh các cơ sở chế biến thủy sản… nhằm hình thành sản phẩm đạt các chuẩn xuất bán nội địa và xuất khẩu. Với nội dung này, bên cạnh nỗ lực của ngành Nông nghiệp, cần sự vào cuộc của các sở, ngành chuyên môn khác, như Sở TN&MT giao, cấp mặt nước cho các hộ nuôi; đặc biệt vai trò chính, chủ động của các địa phương có biển. Giải pháp căn cốt là phát triển nuôi biển. Hướng đi này đã được đề ra, đã đến lúc phải đẩy mạnh, bởi đây là thế mạnh của Quảng Ninh, tác động và quyết định đết tăng trưởng lĩnh vực thủy sản trước mắt cũng như lâu dài.
Cùng với thủy sản, 6 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp tỉnh kỳ vọng vào chăn nuôi gia súc lớn, nhất là đối với đàn bò. Thời gian qua, đàn bò của Công ty TNHH Phú Lâm (TP Móng Cái) tăng trưởng đều, luôn có trong chuồng gần 1 vạn con. Công ty đang tiếp tục ý tưởng phát triển đàn bò chửa và bò con trong các hộ nuôi, nhằm cải thiện chất lượng giống và tăng chất đàn bò, dẫn đến giá trị đạt cao hơn.
Các mục tiêu về trồng rừng, sản lượng tôm nuôi, gỡ thẻ IUU… mặc dù 6 tháng đầu năm đạt khá, tuy nhiên khối lượng công việc còn nhiều, những khó khăn gặp phải. Trong đó việc công bố cảng cá Cái Rồng được đánh giá nan giải về cả thủ tục hành chính và đầu tư hạ tầng; diện tích trồng rừng lớn, còn gần 1.200ha; chuyển đổi phao xốp sang kết quả đạt được còn thấp, nếu không giải quyết được những "nút thắt" này sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.
Việt Hoa
- Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
- Trường Đại học Hạ Long công bố bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngành nông nghiệp
- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không cần phải có cánh đồng lớn
- Tiến hành chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Liên kết website
Ý kiến ()