Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:54 (GMT +7)
Tập trung các giải pháp hỗ trợ trục vớt tàu du lịch bị đắm chìm sau bão
Thứ 4, 02/10/2024 | 09:05:04 [GMT +7] A A
Bão số 3 đổ bộ, Quảng Ninh nằm trong tâm bão chịu sức tàn phá khủng khiếp, thiệt hại nghiêm trọng. Bão làm 269 tàu, thuyền bị đắm chìm, trong đó có 28 tàu du lịch. Dù đến thời điểm này, đã hơn 20 ngày bão đi qua, tuy nhiên công tác trục vớt, hỗ trợ đối với loại hình phương tiện này vẫn còn rất khó khăn.
Ông Bùi Văn Tuyên, đại diện hãng tàu Indochine Hạ Long, cho biết: Dù trước bão, thực hiện hướng dẫn của các lực lượng chức năng, công ty đã di chuyển vào khu neo đậu. Tuy nhiên bão số 3 đổ bộ với sức gió rất mạnh, giật cấp 17, đã khiến 4 tàu bị đắm. Ngay sau bão, công ty đã tiến hành tìm đơn vị trục vớt, sớm sửa chữa để đưa vào hoạt động khai thác trở lại. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa tìm được đơn vị trục vớt phù hợp, giá cả được báo cao gần gấp 2 so với mức bình thường. Do vậy, đang rất khó khăn, tàu ngâm nước thêm ngày nào là mức độ hư hỏng, thiệt hại lại tăng thêm.
Vịnh Hạ Long hiện đang sở hữu đội tàu du lịch hùng hậu với hơn 500 chiếc, đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch của Quảng Ninh và khai thác hiệu quả, bền vững di sản Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, bão số 3 đã khiến 28 tàu bị chìm đắm, một số tàu bị va đập gây hư hỏng. Để kịp thời khắc phục, sớm ổn định khai thác trở lại, ngay sau bão, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào các công tác hỗ trợ. Trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, chủ tàu có phương tiện bị chìm đắm để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tháo gỡ khó khăn; tiến hành xác định các vị trí tàu bị chìm để trục vớt, cảnh báo cho phương tiện qua lại… đảm bảo an toàn cho các luồng, tuyến.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GT-VT đã tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ phương tiện chìm đắm. Tuy nhiên, theo khoản 1, điều 5, Nghị định 05/2017/NĐ-CP quy định kinh phí để trục vớt tàu du lịch do chủ tàu đảm nhiệm. Vì thế, hiện vẫn chưa có cơ sở để sử dụng ngân sách hỗ trợ. Với tính chất đặc thù, nhằm sớm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiến hành trục vớt tàu tỉnh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ GT-VT bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm đắm do cơn bão số 3 và hiện vẫn đang chờ hướng dẫn để thực hiện.
Song song với đó, tỉnh cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để thống nhất các chính sách liên quan đến giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới theo hình thức tín chấp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; đề nghị ngành Thuế thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước; đề nghị Sở GT-VT tìm kiếm, kết nối với các đơn vị trục vớt, cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện để hỗ trợ doanh nghiệp sớm khắc phục những hỏng hóc phương tiện. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong cấp lại Giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện, chứng nhận an toàn, chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ của thuyền viên bị mất…
Đến ngày 1/10, đã có 3 đơn vị triển khai trục vớt tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, đã trục vớt được 111/269 phương tiện, trong đó có 15/28 tàu du lịch, hoạt động đưa khách tham quan, nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long.
Đội tàu du lịch là một phần không thể tách rời trong kế hoạch khai thác hiệu quả, bền vững di sản, kỳ quan vịnh Hạ Long. Sau gần 30 năm hoạt động, đội tàu đã từng bước được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo ra môi trường kinh doanh du lịch công bằng, lành mạnh, làm hài lòng hàng triệu du khách tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, bão số 3 đã tác động đến hầu khắp các hoạt động KT-XH tại tỉnh, làm ảnh hưởng, đảo lộn đời sống nhân dân, hoạt động doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, với sự tự lực, kiên cường, Quảng Ninh đã rất khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục sau bão, tìm những giải pháp phù hợp để ổn định đời sống nhân dân và đưa các hoạt động sản xuất sớm quay trở lại.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()