Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:15 (GMT +7)
Đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi
Thứ 3, 31/08/2021 | 07:16:43 [GMT +7] A A
Những năm qua, để đảm bảo phát triển đi cùng với vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn có nhiều chuyển biến. Nhiều địa phương đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường dưới các hình thức chăn nuôi gia công, hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân cùng làm; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi tập trung, áp dụng kỹ thuật tiên tiến.
Các địa phương đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Nhờ đó, số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 214 trang trại chăn nuôi thì đến nay lên đến 240 trang trại. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận.
Cùng với đó, các địa phương còn chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch.
Cụ thể: Khu vực đồng bằng phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm; khu vực ven biển tập trung phát triển đàn lợn, gia cầm; khu vực trung du miền núi phát triển đàn gia súc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các vùng chăn nuôi tập trung như: Vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái là 32ha, vùng chăn nuôi gà huyện Tiên Yên là 850.000 con; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung 1.340,9ha. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh cũng đã triển khai 15 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại, gia trại và sản xuất khép kín.
Nhờ vậy, chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định. Toàn tỉnh hiện có 32.800 con trâu, 36.800 con bò, 283.000 con lợn và khoảng 4 tỷ con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt khoảng 100.000 tấn, thu hoạch sữa tươi đạt 2.14,6 tấn, thu hoạch khoảng 131.300 quả trứng gia cầm.
Tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm cũng như đảm bảo tốt vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long, Công ty TNHH MTV Nông, lâm, ngư Quảng Ninh có đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà (giống gốc) với tổng 710 con. Hàng năm, các doanh nghiệp này cung cấp gần 4.300 con nái bố mẹ phục vụ thay thế, bổ sung đàn nái; cung ứng khoảng 60% nhu cầu con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi trên địa bàn.
Hàng năm, các địa phương còn chú trọng tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiêm hơn 45.000 liều vắc-xin lở mồm long móng, trên 26.600 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; gần 108.300 liều vắc-xin các loại ở lợn, khoảng 1.500.000 liều vắc-xin cúm gia cầm; gần 52.000 liều vắc-xin phòng bệnh dại ở gia súc... Trong 6 tháng năm 2021, các địa phương cấp phát hơn 25.600kg vôi bột để vệ sinh tiêu trùng khử độc tại các chợ buôn bán động vật, khi chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật và tiêu trùng khử độc tại 23.907 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù đạt một số kết quả, nhưng công tác vệ sinh trong chăn nuôi vẫn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày đêm, chưa kể lượng nước tiểu gia súc. Qua điều tra cho thấy chỉ khoảng 10% số chất thải rắn trên được xử lý qua hệ thống Biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.
Năm 2019, Sở NN&PTNT thực hiện điều tra môi trường chăn nuôi, kết quả cho thấy, trong tổng số 900 cơ sở/11 địa phương được điều tra, lấy 26 mẫu nước thải sau Biogas có 1/26 mẫu có chỉ tiêu pH không đạt GHCP, 2/26 mẫu có tỷ lệ COD vượt GHCP, 26/26 mẫu có tổng chất rắn lơ lửng vượt GHCP, 26/26 mẫu có tổng coliform vượt GHCP, 17/26 mẫu có tổng nitơ vượt GHCP. Ô nhiễm do chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất.
Bên cạnh đó, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.480 con lợn, trâu, bò và 10.000 con gia cầm được giết mổ. Ước tính chất thải rắn xả thải qua giết mổ trong một ngày đêm đạt khoảng 15 tấn (chưa kể các chất thải lông, máu, móng, mỡ...).
Trong khi đó, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 6 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư với công suất 200-250 con/ngày (tại Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả). Các cơ sở giết mổ tập trung đã thực hiện xử lý được chất thải rắn, chất thải lỏng. Còn lại trên địa bàn tỉnh vẫn có 693 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư hoạt động, phần lớn đều xả thải ra môi trường. Việc có quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cũng gây khó khăn trong kiểm soát an toàn vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trong 6 tháng năm 2021, các địa phương mới chỉ kiểm soát giết mổ được 21.000 con gia súc, trong khi số gia súc được giết mổ lên tới hơn 446.000 con.
Mong rằng, những tồn tại về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm, có giải pháp giải quyết để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân; đồng thời giúp ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển vững chắc hơn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()