Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:22 (GMT +7)
Sớm di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
Thứ 7, 10/07/2021 | 07:35:01 [GMT +7] A A
Hiện nay, Sở NN&PTNT đã hoàn tất việc lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và người dân để báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh sớm xem xét, ban hành Nghị quyết về việc quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và những chính sách hỗ trợ kèm theo. Khi Nghị quyết được ban hành sẽ có khoảng 3.100 cơ sở, trang trại cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Đây được coi là bước chuyển mình lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách thực sự hiệu quả.
Dịch bệnh, ô nhiễm từ chăn nuôi nhỏ lẻ
Năm 2019 là một năm vô cùng khó khăn của ngành chăn nuôi Quảng Ninh khi mà cơn bão của dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng. Con số thống kê cho thấy dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 16.062 hộ/968 thôn, khu, ở 162 xã, phường trên địa bàn tỉnh với tổng số lợn ốm, chết và buộc phải tiêu hủy là hơn 143.000 con (chiếm trên 38,4% tổng đàn lợn), trọng lượng tiêu hủy trên 6.000 tấn. Thiệt hại lớn chưa từng có này đã đẩy không ít người chăn nuôi rơi vào tình cảnh kiệt quệ, điêu đứng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, khống chế dập dịch. Qua đó, cuối năm 2019, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng xuống, giữa năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, dịch tả lợn châu Phi đã quay trở lại nhiều địa phương trong tỉnh. Tính riêng trong năm nay, từ ngày 20/4 đến 4/6 bệnh dịch đã xảy ra tại 110 hộ thuộc 41 thôn, khu của 22 xã, phường ở 7 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy ở các địa phương này là 670 con, trọng lượng gần 27.500kg.
Trong đó đáng chú ý là có tới 80-90% lợn bị dịch từ năm 2019 đến nay đều xuất phát từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân xuất hiện trở lại bệnh dịch tả lợn châu Phi ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là do người chăn nuôi đã mua con giống không rõ nguồn gốc từ các thương lái bán rong, nên khó kiểm soát được nguồn giống nhập về nuôi. Lợn được nuôi theo kiểu tự phát, thiếu sự ổn định, bền vững, gần như không hoặc rất ít chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Do đó năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp, các loại dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan...
Không chỉ dễ tổn thương do dịch bệnh, việc chăn nuôi nhỏ lẻ ngay trong các khu dân cư cũng đã khiến cho môi trường sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ghi nhận thực tế tại chuồng nuôi lợn, gà của gia đình ông Đinh Quang Hưng (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) cho thấy, do các nhà xây sát nhau nên trong quá trình chăn nuôi, mùi hôi thối của phân, nước thải và tiếng kêu của đàn lợn, gà cũng đã gây không ít phiền toái cho những hộ dân bên cạnh. Tình cảnh khổ sở vì phải chung sống gần, sát các hộ chăn nuôi ngay trong khu dân cư đông đúc hiện không phải là hiếm ở các khu đô thị, thậm chí là ở giữa TP Hạ Long.
Là một trong 3 xã có số hộ chăn nuôi lợn lớn nhất trên địa bàn TX Đông Triều, nhiều năm qua, Nguyễn Huệ luôn là điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Quỹ đất ít, chăn nuôi nhiều nên mặc dù các hộ đã xây dựng hầm biogas nhưng phần lớn đều đã quá tải, bốc mùi hôi thối nồng nặc, phát sinh nhiều ruồi, muỗi khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc phát triển chăn nuôi chưa gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, tình trạng thu gom, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi chưa triệt để đã trở thành bài toán khó đối với các địa phương này trong giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng trong toàn xã, chưa kể các nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người cũng rất cao.
Xác định chăn nuôi là ngành sản xuất có điều kiện vì sự tương tác với các lĩnh vực khác, nhất là đối với vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, tháng 11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (gọi tắt là Luật Chăn nuôi 2018) và đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Một trong những quy định mới nhất trong Luật Chăn nuôi 2018 chính là nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư.
Tiếp đó, mới đây nhất, ngày 1/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP (Nghị định 14) quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 20/4/2021, những hành vi bị cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt rất nặng như: Nông hộ chăn nuôi tại khu vực không được phép sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng; đối với trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ chăn nuôi tại khu vực không được phép bị phạt từ 10-15 triệu đồng và với trang trại quy mô lớn sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Việc Chính phủ siết chặt các quy định trong chăn nuôi được cho là cần thiết để các địa phương tạo cơ sở hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, đồng thời tiến tới loại bỏ tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, có nguy cơ gây dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Xuất phát từ thực tế và quy định của Chính phủ, việc tỉnh sớm xây dựng và ban hành quy định khu vực không được phép và chính sách hỗ trợ khi dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Điều này sẽ hướng tới mục tiêu tổ chức chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và đảm bảo thực hiện đúng theo Luật Chăn nuôi 2018.
Cần sớm ban hành Nghị quyết
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 42.000 cơ sở chăn nuôi, trong đó cơ sở chăn nuôi nông hộ chiếm phần lớn với gần 40.000 cơ sở, còn lại là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi.
Để chính sách đảm bảo tính khả thi, có hiệu quả, Sở NN&PTNT đã quán triệt đến ngành nông nghiệp các địa phương tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin về Luật Chăn nuôi 2018. Đồng thời, thành lập các tổ công tác làm việc với địa phương, hướng dẫn lập hồ sơ đề xuất, tổng hợp thống kê rà soát số liệu để phục vụ việc xây dựng dự thảo chính sách. Các địa phương cũng tăng cường khảo sát, kê khai, khai báo các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để xác định những địa điểm, khu vực không được phép chăn nuôi. Với kết quả điều tra thực trạng chăn nuôi của các địa phương, sẽ có 3.145 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà thuộc diện không được phép chăn nuôi (3.125 nông hộ và 20 trang trại). Qua khảo sát, đa số các hộ chăn nuôi nhỏ, tận dụng lao động nông nhàn đều có ý kiến sẽ chuyển đổi nghề, còn các cơ sở chăn nuôi với quy mô từ 30-200 con lợn hoặc gà trở lên đều mong muốn được chuyển vào khu vực chăn nuôi tập trung của địa phương.
Đồng thời, với mục tiêu hướng đến hỗ trợ toàn diện cho người chăn nuôi, các sở, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị quyết đã tập trung rà soát kỹ lưỡng, đánh giá chi tiết, lấy ý kiến rộng rãi người dân để đề xuất chính sách hỗ trợ liên quan đến 5 nội dung. Bao gồm: Giải quyết việc làm cho người lao động trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi dừng hoạt động; tháo dỡ, di dời chuồng trại; hỗ trợ một phần giá trị sử dụng còn lại của chuồng trại; đầu tư xây mới cơ sở chăn nuôi; bố trí quỹ đất để di dời.
Đối với từng nội dung đều đã được các cơ quan chức năng xác định vấn đề bất cập để đưa ra mục tiêu giải quyết. Đơn cử như khi các cơ sở đồng ý di dời chuồng trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi để vào khu vực, vùng chăn nuôi tập trung, Nhà nước sẽ hỗ trợ các hạ tầng dùng chung như: Đường giao thông trục chính, đường dây điện và trạm biến áp, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải… Hay như đối với việc đầu tư cơ sở chăn nuôi mới, các cơ sở chăn nuôi sẽ cần một khoản vốn từ 100 triệu đồng cho đến 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua máy móc thiết bị, con giống, thức ăn. Đại đa số người dân đều không đủ nguồn lực về tài chính, kể cả đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài.
Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này và đến nay qua thời gian triển khai cho thấy đây là giải pháp tích cực, hiệu quả. Theo thống kê năm 2011, tỷ trọng trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp lần lượt là 65%, 28,6%, 6,4%, nhưng đến hết năm 2020, tỷ trọng trên đã có sự thay đổi lần lượt là 41,9%, 55,7% và 2,3%. Điều này cho thấy, giá trị của ngành chăn nuôi đang là động lực tăng trưởng chính cho ngành sản xuất nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng đạt 6,9%, chạm mức gần 6.000 tỷ đồng.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cơ cấu ngành chăn nuôi vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Các chỉ tiêu về số lượng tổng đàn, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, sản phẩm chủ lực, hệ thống giết mổ tập trung để hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi còn rất thấp. Dự báo trong những năm tới, ngành chăn nuôi sẽ gặp thách thức về giá thành, sự cạnh tranh gay gắt, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, rủi ro từ thiên tai. Việc điều chỉnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung và ra khỏi các khu vực không được phép chăn nuôi là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, các quy định của Luật Chăn nuôi và là một trong những khâu đột phá để đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. Do đó, Nghị quyết cần sớm được ban hành để người chăn nuôi có đủ thời gian khai thác hết chu kỳ nuôi và xây dựng, hoàn thiện các cơ sở chăn nuôi mới đáp ứng được các quy định của Chính phủ.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()