Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:56 (GMT +7)
Đảm bảo VSATTP mùa lễ hội
Thứ 2, 14/02/2022 | 14:05:42 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có khoảng 80 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm và tập trung nhiều nhất là từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch. Trong đó, có nhiều lễ hội lớn như: Tiên Công (Quảng Yên), Ngoạ Vân (Đông Triều), Yên Tử (Uông Bí), đền Cửa Ông (Cẩm Phả)... Số lượng người dân và du khách thập phương về tham dự lễ hội lên tới hàng nghìn lượt người mỗi ngày. Đây cũng chính là dịp các dịch vụ ăn uống nở rộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Bởi vậy, các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào cuộc siết chặt công tác quản lý, đảm bảo sức khoẻ của du khách, nhân dân về trẩy hội tại Quảng Ninh.
Uông Bí là một trong những địa phương có nhiều di tích tâm linh thu hút đông đảo người dân tới tham quan, hành hương nhất là dịp đầu xuân, năm mới. Để đảm bảo an ninh trật tự, ATTP, vệ sinh môi trường... ngay từ giữa tháng 1/2022, địa phương đã xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các lễ hội, trong đó công tác đảm bảo ATTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho từng địa phương, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Đội QLTT số 6 thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh và duy trì phối hợp với các đoàn liên ngành của thành phố kiểm soát tình hình VSATTP để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống BLGLTM và hàng giả; không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu...
TP Cẩm Phả cũng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh lớn của Quảng Ninh với Di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông. Để công tác VSATTP được đảm bảo, ngay từ đầu mùa lễ hội thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP tới các đơn vị, hộ kinh doanh tại các xã, phường. Đồng thời, thành phố đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trên cơ sở đó, địa phương cũng tuyên truyền tới các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng yêu cầu của Chính phủ và của tỉnh để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Xác định công tác đảm bảo ATTP là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, góp phần đảm bảo thị trường và đóng góp quan trọng vào công tác phòng chống dịch, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATTP theo lĩnh vực ngành quản lý. Trong đó, sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra ATTP một cách thường xuyên có hiệu quả. Đồng thời, sẽ phối hợp xuyên suốt với các sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thực hiện công tác bảo đảm ATTP, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phấn đấu không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.
Để nâng cao nhận thức cũng như ý thức cho người dân, cơ sở sản xuất và chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cấp, các ngành của tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông về VSATTP; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn... Theo đó, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATVSTP; đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để kiểm tra về ATVSTP trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đối tượng kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp lễ hội. Các đoàn kiểm tra chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại. Trong quá trình kiểm tra đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định, kiến thức về bảo đảm ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nêu gương đối với cơ sở thực phẩm làm tốt, đồng thời cảnh báo tới người tiêu dùng đối với cơ sở sản xuất thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, trong tháng 1/2022, toàn tỉnh có 50 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do các sở, ngành và UBND các địa phương thực hiện với tổng số tiền xử phạt gần 165 triệu đồng. Trong đó, có 4 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do có hành vi vi phạm mức độ và nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()