Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:07 (GMT +7)
Đầm Hà: Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng sản phẩm OCOP
Thứ 2, 27/05/2024 | 11:19:55 [GMT +7] A A
Hỗ trợ phụ nữ làm kinh doanh, giới thiệu việc làm, phát triển kinh tế gia đình... luôn là những nhiệm vụ trọng tâm được Hội LHPN huyện Đầm Hà quan tâm, chú trọng. Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ này, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã chủ động phát huy vai trò của hội viên trong tham gia chương trình OCOP và đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với tư cách vừa là chủ thể tuyên truyền, vận động, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP và là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP của mỗi gia đình, đại đa số hội viên phụ nữ huyện Đầm Hà đang góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương với nhiều cách làm sáng tạo.
Các cấp hội phụ nữ đã thúc đẩy kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của phụ nữ phân phối ra thị trường, liên kết cung ứng sản phẩm, giới thiệu sản phẩm tham gia các hội chợ tại huyện và một số địa phương trong tỉnh. Từ đó, tạo động lực kích thích các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm để chương trình OCOP thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực.
Xác định việc chuyển giao khoa học kỹ thuật là một trong những yếu tố then chốt giúp chị em phụ nữ nâng cao kiến thức, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Hội LHPN huyện Đầm Hà đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy nấu ăn, ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng online qua các nền tảng số. Qua đó, giới thiệu 668 phụ nữ tham gia các lớp đào tạo nghề; giới thiệu việc làm cho 345 phụ nữ. Năm 2023, Hội LHPN huyện còn tích cực hướng dẫn thành lập 3 HTX do phụ nữ làm chủ.
Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện còn tích cực đứng ra tín chấp giúp chị em được tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Tính đến quý I/2024, Hội LHPN huyện đã duy trì hiệu quả hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 178,228 tỷ đồng cho hơn 2.078 hộ hội viên vay vốn. Nhờ được hỗ trợ về nguồn vốn và nắm bắt được khoa học kỹ thuật, phụ nữ trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, đưa các cây, con mới năng suất chất lượng cao vào nuôi trồng. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi gà bản Đầm Hà, trồng nấm, nuôi vịt đẻ trứng, trồng dưa lưới Đầm Hà, sản xuất rượu khoai Quảng Lâm…
Thông qua chương trình OCOP, Đầm Hà ngày càng có nhiều điển hình nữ chủ hộ, HTX mạnh dạn vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân...
Tuy nhiên, tham gia chương trình OCOP, chị em phụ nữ vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ như các chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP hiện nay chủ yếu là lồng ghép từ nhiều chương trình, còn chồng chéo, chưa phát huy hết hiệu quả của chính sách. Bên cạnh đó, với quy mô sản phẩm nhỏ lẻ, sản phẩm OCOP phần lớn sản xuất ở dạng thô sơ, sơ chế, chưa ứng dụng nhiều khoa học công nghệ vào sản xuất nên gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại của các doanh nghiệp lớn...
Thời gian tới, Hội LHPN huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức định hướng sản xuất, tập huấn, tư vấn kiến thức, để hội viên mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình; tuyên truyền, định hướng các hộ hội viên phụ nữ trong phát triển các sản phẩm OCOP địa phương. Qua đó, vươn lên làm giàu, đóng góp công sức xây dựng quê hương.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()