Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 14:10 (GMT +7)
Đầm Hà: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
Thứ 2, 12/10/2020 | 10:19:53 [GMT +7] A A
Nhận thức rõ việc trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) có ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập của trẻ, huyện Đầm Hà đã tích cực triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.
Trong quá trình triển khai Đề án Đầm Hà đã gặp không ít khó khăn. Đơn cử như: Cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi trang bị của trẻ vùng DTTS chủ yếu là đồ chơi được cấp phát, nguồn kinh phí tự mua sắm còn hạn chế. Trình độ giáo viên không đồng đều, số giáo viên biết tiếng dân tộc còn ít, bởi trên 85% cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại vùng DTTS là dân tộc Kinh từ nơi khác đến công tác, không biết tiếng dân tộc dẫn đến bất đồng ngôn ngữ, gây khó khăn trong công tác giảng dạy. Đa số trẻ dân tộc cấp mầm non ở các lớp ghép 3 độ tuổi, có nhiều lớp ghép số học sinh ít nên cũng chỉ bố trí được 1 biên chế đứng lớp/1 lớp gây khó khăn trong công tác giảng dạy. Rào cản về mặt ngôn ngữ khiến trẻ nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục. Còn đối với học sinh tiểu học, khi vào lớp một, vốn tiếng Việt ít, trẻ chỉ có khả năng nghe, nói được những câu ngắn, đơn giản cho nên việc học tập cũng như tham gia hoạt động ở lớp, ở trường rất hạn chế.
Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS”, việc học ghép lớp tại các điểm trường hiện gây khó khăn cho việc dạy và học tăng cường cho trẻ bậc tiểu học. Ảnh: Lớp ghép tại điểm trường Sẹc Lống Mìn, Trường tiểu học Quảng Lâm, xã Quảng Lâm. |
Đồng thời, công tác xã hội hóa cho tăng cường tiếng Việt tại một số đơn vị gặp khó khăn do trình độ dân trí tại một số địa phương trong huyện còn hạn chế, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho con em mình khi đến trường. Mức sống và thu nhập của người dân vùng DTTS chưa cao nên việc xã hội hóa thấp...
Trước thực trạng đó, huyện Đầm Hà chỉ đạo các cơ sở giáo dục đa dạng hóa nội dung hình thức tuyên truyền về sự cần thiết tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS trong các cấp, các ngành, bậc cha mẹ học sinh và trong toàn xã hội dưới nhiều hình thức như: Phát thanh, qua các cuộc hội nghị, cuộc họp tại thôn/bản, xã... Tuyên truyền hỗ trợ cho các bậc cha mẹ học sinh là người DTTS về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng nhằm giúp cho trẻ em thói quen giao tiếp bằng tiếng Việt.
Hoạt động tại thư viện Trường Mầm non Quảng Lâm, xã Quảng Lâm giúp cho trẻ tăng cường vốn tiếng Việt. |
Cùng với đó, huyện ưu tiên đầu tư nâng cấp, xây mới phòng học, sửa chữa, tu bổ, mua sắm các trang thiết bị cho các trường, điểm trường vùng DTTS. Đến nay 100% phòng học được kiên cố; 100% các trường có cấp tiểu học cơ bản có đầy đủ công trình, phòng thư viện chuẩn theo quy định. Ngành giáo dục huyện tập huấn cho giáo viên tiểu học về nội dung, kỹ năng, phương pháp tăng cường tiếng Việt phù hợp với trẻ em vùng DTTS. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo trong tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ giáo viên tại vùng có DTTS nhất là tham gia bồi dưỡng tiếng Dao. Ngoài ra, ngành đã chú trọng bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường vùng khó khăn, trường tập trung nhiều học sinh DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học, tăng cường tiếng Việt.
Cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quảng Lâm, cho hay: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là tại các điểm trường học sinh vẫn phải học ghép lớp, nhưng trên cơ sở đề án, nhà trường đã xây dựng môi trường học tăng cường tiếng Việt với hình thức, như tổ chức nhiều chuyên đề cấp trường, cấp huyện về tăng cường tiếng Việt cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh mới vào lớp 1 để các em mạnh dạn, tự tin giao tiếp với các bạn, tương tác với thầy cô. Cuối mỗi năm học nhà trường kết hợp với trường mầm non, tổ chức cho học sinh thăm trường và làm quen với trường, lớp tiểu học. Từ đó trang bị cho học sinh kiến thức để chuẩn bị vào lớp 1. Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động có sự tham gia của phụ huynh để phụ huynh hiểu rõ việc học tập của con mình, đồng thời phối hợp với nhà trường thực hiện tốt công tác giáo dục học sinh.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS, bên cạnh việc vận dụng phù hợp, hiệu quả những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mới, thì ngành giáo dục Đầm Hà tham mưu cho UBND huyện tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các trường vùng DTTS đáp ứng yêu cầu tăng cường tiếng Việt cho trẻ em và đổi mới giáo dục. Đồng thời huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia xây dựng môi trường tiếng Việt và hỗ trợ sách vở, tài liệu, học liệu, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi.
Thái Cảnh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()