Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:16 (GMT +7)
Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa Đầm Hà: Trọn nghĩa, vẹn tình
Thứ 4, 27/07/2022 | 09:10:18 [GMT +7] A A
Đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của huyện từ nhiều năm qua. Cùng với cả nước, những ngày này, huyện Đầm Hà đang đẩy mạnh các hoạt động hướng về kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đầm Hà là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trải qua các cuộc kháng chiến, huyện có gần 270 liệt sĩ đang được quản lý thông tin và thực hiện chính sách thường xuyên theo quy định. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện vẫn còn 10 trường hợp liệt sĩ không có hồ sơ quản lý, 16 trường hợp liệt sĩ chưa có thông tin. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện, huyện có 4 tập thể, 4 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; 26 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 263 người có công (NCC) và thân nhân hưởng trợ cấp thường xuyên (bố, mẹ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ); 293 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại...
Trân trọng sâu sắc những hy sinh, đóng góp to lớn của thế hệ đi trước, từ nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện luôn coi việc quan tâm chăm sóc những NCC với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Từ đó, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được duy trì, trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác an sinh xã hội. Điển hình: Đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách trợ cấp xã hội của Nhà nước; thường xuyên quan tâm tu bổ, chỉnh trang các công trình tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ huyện, cấp xã; triển khai Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở. Công tác chi trả trợ cấp thường xuyên, trợ cấp 1 lần, hỗ trợ mai táng phí, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, cấp thẻ BHYT... đảm bảo đúng người thụ hưởng, kịp thời.
Hằng năm, huyện chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh để chăm lo sức khỏe cho NCC, tổ chức đưa, đón NCC đi điều dưỡng tập trung, chăm sóc sức khỏe theo quy định và chương trình của tỉnh. Huyện chỉ đạo rất sát sao trong công tác huy động nguồn lực để bổ sung cho nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo kinh phí cho các hoạt động thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, trợ cấp đột xuất khi đau ốm, sửa chữa nhà ở; kịp thời tháo gỡ các phản ánh, kiến nghị liên quan đến chính sách cho NCC...
Để thực hiện tốt công tác chăm lo cho NCC và gia đình với mục tiêu đảm bảo 100% các trường hợp được chăm lo, hỗ trợ có mức sống tốt nhất, hằng năm huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn cùng vào cuộc. Cụ thể thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thực hiện các chỉ thị, chính sách của bộ, ngành, trung ương và tỉnh về chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Phòng LĐ-TB&XH huyện là đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành liên quan, đảm bảo công khai, minh bạch các chế độ chính sách đối với NCC, gắn với công tác giữ gìn an ninh chính trị, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Qua đó, giúp rút ngắn thời gian giải quyết chế độ theo quy định, không để hồ sơ tồn đọng; chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh, kịp thời những biểu hiện và hành vi tiêu cực, không để xảy ra tiêu cực kéo dài gây bức xúc trong nhân dân; kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Nhờ nắm chắc địa bàn cơ sở và tình hình từng trường hợp NCC tại địa phương, nên việc quan tâm, giải quyết chính sách luôn được chu đáo; các suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và địa phương đều được trân trọng trao đến đúng địa chỉ kịp thời vào các dịp quan trọng, như Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các ngày lễ lớn của địa phương. Các hoạt động thiết thực, như viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi các thương, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... của huyện và các xã, thị trấn được tổ chức trang trọng, không chồng chéo, không bỏ sót, nhầm lẫn...
Những việc làm thiết thực, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện không chỉ thể hiện đạo lý, truyền thống đền ơn đáp nghĩa, mà còn giúp giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, khuyến khích sự đồng thuận cao từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tham gia nhiệm vụ đảm bảo an sinh, công bằng xã hội. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để NCC và gia đình tiếp tục khẳng định và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ; những gia đình còn khó khăn thêm động lực nêu cao ý chí tự lực tự cường, nỗ lực cải thiện cuộc sống. Đến nay, 100% các xã, thị trấn hoàn thành nâng cao mức sống cho NCC; toàn huyện không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Bên cạnh những chính sách chung của Nhà nước, huyện Đầm Hà luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách riêng của tỉnh dành cho người có công với cách mạng. Cụ thể gồm: Hỗ trợ học tập cho con liệt sĩ, con thương binh nặng đang theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; hỗ trợ thêm cho người có công đi điều dưỡng hằng năm với mức 1,4 triệu đồng/người khi thực hiện điều dưỡng tập trung và 700.000 đồng/người khi điều dưỡng tại gia... Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ, ưu đãi được sử dụng từ ngân sách của địa phương.
|
Hoàng Giang
- Thăm hỏi, tặng quà người có công Quảng Ninh ở Trung tâm điều dưỡng thương binh tại các tỉnh
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Hoàng Ngân thăm, tặng quà nhân ngày 27/7
- Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình người có công tại TP Cẩm Phả
- Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Đông Triều và Uông Bí
- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh thăm, tặng quà 27/7 tại huyện Ba Chẽ
Liên kết website
Ý kiến ()