Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 00:32 (GMT +7)
Đầm Hà xóa hộ nghèo, hộ cận nghèo
Thứ 2, 07/03/2022 | 10:38:16 [GMT +7] A A
Với nhiều cách làm sáng tạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Đầm Hà đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (tiêu chí giai đoạn 2015-2020), đến nay huyện Đầm Hà không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, huyện hiện còn 143 hộ nghèo (1,29%), 430 hộ cận nghèo (3,89%).
Cuối năm 2019, Tân Lập là xã đầu tiên của huyện Đầm Hà không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo tiêu chí giai đoạn 2015-2020) và được duy trì đến nay. Thời điểm mới thành lập (năm 2006) trên cơ sở sáp nhập một số thôn của xã Đầm Hà và xã Đại Bình, tỷ lệ hộ nghèo của Tân Lập rất cao. Xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.
Huyện đang triển khai tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đến hết năm 2021, huyện không còn hộ nghèo. Huyện quan tâm chỉ đạo sát sao công tác giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) nông thôn, xác định là yếu tố quan trọng trong nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Các xã, thị trấn được quán triệt phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề... được lồng ghép tuyên truyền thường xuyên tại các buổi sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể.
Huyện thực hiện tốt chương trình vay vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho NLĐ... Từ năm 2021 đến nay huyện có trên 1.300 lao động được giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 1.370 người được vay vốn giải quyết việc làm, với tổng vốn giải ngân 65 tỷ đồng...
Huyện miền núi, ven biển Đầm Hà có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, như xây dựng NTM, chương trình 135 và nguồn vốn của tỉnh, sự đóng góp của nhân dân, trong 10 năm qua, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện được bê tông hóa 100% với tổng chiều dài 93,7km, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Hệ thống mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở không ngừng được quan tâm đầu tư. Trung tâm Y tế huyện được xây mới, nâng quy mô từ 50 lên 80 giường bệnh, từ 5 bác sĩ lên 9 bác sĩ/vạn dân... Riêng năm 2021, huyện chi ngân sách cho công tác an sinh xã hội gần 20 tỷ đồng.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo Nghị định số 07/2021/QĐ-TTg “Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025”), huyện hiện còn 143 hộ nghèo (1,29%), 430 hộ cận nghèo (3,89%), đều là các hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội.
Đầm Hà tiếp tục xác định công tác bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục đồng thời nhiều lĩnh vực. Huyện tập trung rà soát, xác định nguyên nhân của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân, người/hộ nghèo, người/hộ cận nghèo, chủ động tích cực tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm nâng cao thu nhập, gắn với tiếp cận các dịch vụ, chỉ số dịch vụ còn thiếu hụt trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025.
Thái Cảnh
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại huyện Đầm Hà
- Đầm Hà: Sản xuất nông nghiệp đầu năm
- Duy trì kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ
- Đầm Hà: Hướng đến vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Xây dựng Đầm Hà trở thành huyện NTM kiểu mẫu khu vực phía Đông của tỉnh
- Đầm Hà: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()