Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:49 (GMT +7)
Dân ca sẽ chẳng mất đi Phương Mỹ Chi
Thứ 6, 22/09/2023 | 14:09:11 [GMT +7] A A
Tròn 10 năm trước, Phương Mỹ Chi khi ấy chỉ là cô bé 10 tuổi, xuất hiện tại sân khấu Giọng hát Việt nhí với vẻ bẽn lẽn.
Cô bé đeo kính cận, mặc áo bà ba màu hồng hát ca khúc Quê em mùa nước lũ về một trận lụt lịch sử ở miền Tây.
Giọng hát buồn thương tê tái như một nốt lạc khỏi bầu không khí chung sôi nổi, khiến tất cả các giám khảo khi ấy phải bấm chuông để chọn về đội của mình.
Ăn bánh pía lúc shopping
Quê em mùa nước lũ đã gắn quá lâu với Phương Mỹ Chi, dù Chi không phải người đầu tiên hát ca khúc ấy.
Chi là một trong số những ngôi sao nhí hiếm hoi ở Việt Nam đã trưởng thành trước ánh mắt của khán giả và dù không thể so về sức ảnh hưởng nhưng cô đã có một tuổi thơ theo kiểu những Miley Cyrus, Selena Gomez từ lò luyện Disney.
Tức là cô cũng trải qua một số cuộc khủng hoảng trưởng thành như họ, dù ở mức độ ít nghiêm trọng hơn. Khi Chi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, bắt đầu trang điểm đậm và mặc mốt giấu quần, không ít khán giả trung thành tỏ ra thất vọng.
Họ muốn Chi mãi là cô bé dân ca, là trinh nữ canh đền cho dòng nhạc đang mai một. Dân ca đã quá hiếm người trẻ theo đuổi rồi, họ sợ ngay cả Chi cũng sẽ bị âm nhạc hiện đại cướp đi.
Họ không cần sợ gì cả. Với album Vũ trụ cò bay mang hơi hướng folktronica (dân ca và điện tử) vừa ra mắt, Phương Mỹ Chi cho thấy người ta không cần thiết phải đánh đổi truyền thống để lấy hiện đại, và cũng chẳng phải từ bỏ sự thời thượng thì mới giữ được giá trị cổ điển.
Đó là một album khiến ta cảm thấy như đang ăn bánh pía trong khi đi dạo trung tâm thương mại.
Sau phần overture mở đầu, album dẫn ngay vào ca khúc Gối gấm với giai điệu hò khoan dựa trên nền nhạc điện tử thấp thoáng phía sau, đặc biệt là Chi vẫn giữ lối hát, cách phát âm cùng phương ngữ đặc trưng trong các bài dân ca Nam Bộ như ngầm khẳng định rằng cô trước hết vẫn luôn là một người Nam Bộ.
Đến Đẩy xe bò, album tạo nên một sự lật ngược cảm xúc thú vị khi bản beat điện tử lúc này chiếm thế chủ đạo cho tinh thần hiện đại ập vào.
Thoạt nghe, giọng hát của Chi ở đây có nét tung tẩy và đáng yêu nhang nhác giống Hoàng Thùy Linh trong Để Mị nói cho mà nghe, nhưng khi phần bridge trở về với làn điệu cổ truyền và giọng ngân nga của Chi như một con sông nối dài vắt qua cả điệp khúc, ta thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa cô và đàn chị, dẫu nhà sản xuất đứng sau cả hai đều là DTAP.
Nếu như trong vương quốc âm nhạc của Hoàng Thùy Linh, âm nhạc dân gian giống như những món đồ trang trí thêm vào sau cuối, thì ở Phương Mỹ Chi, âm nhạc dân gian là lớp móng vững chãi, luôn có sẵn.
Phương Mỹ Chi đã thực sự thăng hoa trong Bóng phù hoa, một ca khúc sang trọng về nỗi lòng của thiếu phụ thời phong kiến. Những đoạn belting của Chi tương xứng với phần đệm dạtdào của dàn nhạc cụ dây, và khi lên tới đỉnh điểm lại thình lình mở ra một chiếu đờn ca tài tử giữ nhịp bằng tiếng gõ song lang.
Hệ sinh thái đại chúng
Giọng hát của Chi dường như không có giới hạn: trong Chiếc lược ngà chẳng hạn, mới đó cô cùng nghệ sĩ gạo cội Kim Tử Long ca một đoạn cải lương bi thiết, nhưng liền đó đã có thể chuyển sang một đoạn bridge phong cách ballad, dẫu vẫn hát theo lối ngữ âm địa phương.
Có muôn vàn bộ mặt của Phương Mỹ Chi trong Vũ trụ cò bay: lúc nhập vai thiếu nữ miền sông nước trĩu tâm tình, lúc là một khuê nữ chốn cung đình, lúc là một nữ giải phóng quân hào sảng, lúc đơn giản là một "cô bạn nhà bên" đầy sức sống.
Kể từ khi Hoàng Thùy Linh mở đầu một MV của mình bằng tiết học cảm thụ văn, với hình ảnh hài hước về người thầy giáo đứng trên bục giảng cùng giọng nói truyền cảm nhưng cũng không kém phần... buồn ngủ (như thực tế dạy - học văn ở nước ta), trào lưu âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học nhà trường dường như chưa bao giờ lỗi thời.
Cách mà Phương Mỹ Chi, DTAP và khách mời là rapper Suboi kể lại đời sống nơi phố huyện nghèo, chảy tràn bóng đêm hư không trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam bằng một thứ âm nhạc với tiết tấu hối hả khiến ta chợt nghĩ: phải chăng đoàn tàu từ thành phố mà hai chị em Liên và An trông ngóng đã vừa xình xịch vào ga?
Trong khi đó, cách kể lại truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê trong ca khúc cùng tên bằng một giai điệu hành quân quyện vào hiệu ứng điện tử thực sự như một đường cao tốc nối liền lịch sử và đương đại.
Những sáng tạo như thế mặc dù không làm giàu thêm văn chương, và chúng ta cũng không nên kỳ vọng rằng ai đó sẽ yêu văn chương hơn vì tình cờ nghe được một sản phẩm giải trí thế này, nhưng nó là gợi ý về việc hình thành một hệ sinh thái các tác phẩm đại chúng phái sinh từ văn hóa và lịch sử.
Nhiều người đinh ninh chỉ có thể chọn một trong hai: hoặc ăn vận thời trang hát nhạc điện tử, hoặc mặc áo bà ba hát nhạc dân ca. Nhưng đâu phải, như một nghệ sĩ tung hứng, Phương Mỹ Chi đâu đó đã chứng minh rằng thế hệ Z có thể làm hai việc cùng một lúc.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()