Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:59 (GMT +7)
Dân ta phải biết sử ta...
Chủ nhật, 06/10/2024 | 11:17:59 [GMT +7] A A
Việc dạy sử, học sử luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Ngay đầu bài thơ lục bát “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào năm 1942, Người đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”.
Đất nước Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng đang trên đà phát triển. Việc xây dựng những con người mới đủ năng lực, trí tuệ, trình độ, có đạo đức, nhân cách tốt, đặc biệt là giàu lòng yêu nước, yêu quê hương để xây dựng đất nước, kiến thiết quê hương đẹp giàu có vai trò vô cùng quan trọng. Để yêu Tổ quốc, yêu quê hương, có những yếu tố trên thì một điều then chốt là mỗi con người đó phải hiểu về lịch sử truyền thống của đất nước mình, quê hương, cha ông mình - những người đi trước đã đổ bao công sức, xương máu để có được đất nước hoà bình, người dân được sống trong hạnh phúc như ngày hôm nay.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc giáo dục lịch sử trong trường phổ thông là bắt buộc. Trong quan điểm của ngành giáo dục Nga, lịch sử là môn học có vai trò quan trọng, giúp cung cấp trí thức khoa học và giáo dục lòng yêu nước. Vì vậy, lịch sử là môn học bắt buộc và học sinh Nga được học sử từ lớp 5 tới lớp 11. Tháng 4/2022, Bộ Giáo dục Nga đã thông báo có kế hoạch cho học sinh từ 7 tuổi trở lên tiếp cận sớm với lịch sử, nhằm đẩy mạnh việc giáo dục lòng yêu nước. Tại Ấn Độ, chương trình dạy học công bắt đầu dạy sử từ lớp 5 cho tới hết lớp 12.
Mỹ là quốc gia có nền giáo dục mở. Một trong những môn học bắt buộc đó chính là lịch sử và văn hóa Mỹ. Bất cứ học sinh nào cũng cần phải trải qua ít nhất một năm học về lịch sử nước Mỹ. Tại hầu hết các trường đại học, cao đẳng, sinh viên nếu muốn tốt nghiệp phải hoàn thành hai khóa lịch sử Mỹ và hai khóa về nhà nước và chính trị Mỹ. Sinh viên đến từ đâu cũng phải hoàn thành bốn khóa học này. Với rất nhiều du học sinh Mỹ, lịch sử mang đến cho họ cách nhìn toàn diện hơn về các sự kiện của thế giới, có được những kết nối với quá khứ để rồi nhìn về tương lai phía trước. Lịch sử không chỉ bao gồm những tiết học khô khan mà có thể bao gồm cả các tiết học về văn hóa, về những nét đẹp của các nước. Bên cạnh đó, môn học còn là những lời giải thích vì sao thế giới được như ngày nay.
Ngày 11/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT. Theo đó, môn lịch sử được chuyển thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và dư luận. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam rất ủng hộ chủ trương này. Ông cho rằng, chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình giáo dục.
Có ý kiến cho rằng, lịch sử, xét đến cùng là những gì đã đi qua, được con người hiện tại ý thức lại. Những bài học lịch sử sẽ vô ích nếu không làm đọng lại ở người học hôm nay niềm kính trọng cha ông đã dựng xây nên non nước này, đã dũng cảm bảo vệ nền độc lập tự chủ, đã sáng tạo nên cả một nền văn hóa Việt. Từ đó các em sẽ được tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào để mà sống mạnh mẽ hơn, trung thực hơn, chân chính hơn. Đấy là nhiệm vụ cao cả, là thiên chức lớn lao của môn lịch sử mà bất cứ người công dân chân chính nào cũng phải học, phải bồi dưỡng suốt đời.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()