Tất cả chuyên mục

Thiếu tá Đặng Phương Nam cho biết hạnh phúc lớn nhất trong năm nay của anh đến từ vai trò làm thầy, bởi nhờ đó anh khám phá một điều: trẻ em Việt Nam ở đâu cũng đam mê bóng đá.
Trong năm con mèo, Đặng Phương Nam là một trong số ít những cựu cầu thủ đa di năng thành công trong đời sống thể thao nước nhà. Trong nghề bóng đá, lần đầu tiên anh được nắm một lớp U11 của đội Viettel. Dấn thân sang lĩnh vực truyền hình, Nam quen thuộc với những người hâm mộ trong vai trò bình luận viên bóng đá ngoại hạng Anh. Ngoài ra, anh còn tự đứng hai chương trình bình luận V-League và Dạy trẻ em chơi bóng đang phát sóng trên các kênh của VTV.
![]() |
HLV Đặng Phương Nam. |
Chạy như con thoi xoay quanh các mảng công việc, khi được hỏi về điều gì khiến anh cảm thấy hài lòng nhất trong năm Tân Mão, Phương Nam kể về lớp U11.
“Từ khi giải nghệ và bước sang nghề HLV, thì đây là năm đầu tiên tôi được ban giám đốc CLB Viettel giao cho một lớp. Trước đó, tôi phải trải qua một quá trình học hỏi, làm trợ lý U17, U15, U13…, đến giờ mới được tin tưởng để đứng lớp”.
Để xây dựng lớp học mới, Phương Nam cùng các đồng nghiệp xuống từng tỉnh, tìm các VĐV năng khiếu, đưa về Hà Nội tổ chức vòng chung kết. Qua đó đã tuyển được 32 em vào lớp U11 của Viettel.
Đó là một trải nghiệm để lại dấu ấn trong nhận thức của người HLV trẻ. Phương Nam kể lại: “Có đi khắp các nơi, tiếp xúc với các em nhỏ để tìm kiếm tài năng, tôi mới cảm nhận rõ rằng trẻ em Việt Nam ở khắp mọi nơi đều đam mê bóng đá.” Cuộc tuyển chọn có nhiều nước mắt con trẻ của cả người trúng lẫn không trúng tuyển, khiến ông thày trẻ Đặng Phương Nam phải suy nghĩ mãi.
Tiếp đó là những ngày đầu vất vả rèn lớp vào khuôn khổ với bao nhiêu sự cố: học trò nhớ nhà, nghịch dại, cãi nhau, bị ngã gãy tay… Cái gì chúng cũng mách thầy. Nhưng sau 5 tháng, lớp U11 do Nam làm chủ nhiệm đã vào nền nếp và ngoan ngoãn.
Dạy học trò với tiêu chí văn hóa là hàng đầu, kiến thức phổ thông là thứ hai và cuối cùng mới là bóng đá, nhưng Phương Nam không khỏi lo lắng khi nhìn vào thực tế môi trường bóng đá ở Việt Nam.
Theo anh, bóng đá Việt Nam dù đi theo hướng chuyên nghiệp 10 năm nay, nhưng vẫn chưa đạt được chữ chuyên: từ chất lượng cầu thủ, văn hóa thi đấu, trình độ trọng tài, tổ chức…
“Ba năm nay, bóng đá trong nước đi xuống. Và năm 2011 là thời điểm thể hiện rõ nét nhất sự xuống dốc này”, Phương Nam nhìn nhận.
Thực tế, các cầu thủ trẻ trong nước khó có chỗ đứng trong các đội bóng chuyên nghiệp. Lấy Sài Gòn FC là một ví dụ, trong đội hình 11 cầu thủ ra sân đã có 6 người là ngoại binh và nhập tịch. 5 suất còn lại đều do các tuyển thủ quốc gia đảm nhận. Tình hình nhân sự ở nhiều đội bóng Super League cũng có sự cạnh tranh khắc nghiệt, ưu ái cho các cầu thủ lớn như thế.
HLV trẻ Đặng Phương Nam thấy lo lắng cho tương lai của các học trò nếu môi trường văn hóa bóng đá không được cải thiện và nhất là không có chính sách ưu tiên cho phát triển cầu thủ trẻ ở Việt Nam.
Nhìn lại bức tranh bóng đá Việt trong năm nay, Phương Nam đặt nhiều hy vọng vào việc VPF ra đời với những quy định mới buộc các CLB phải đầu tư mạnh cho các trung tâm đào tạo trẻ, cũng như phải dành chỗ trong các đội hình chính cho lứa cầu thủ trẻ như một sự đầu tư lực lượng cho tương lai.
Cựu tuyển thủ quốc gia cầm tinh con Rồng đang bước vào năm mới với mong ước sẽ làm được nhiều điều với đội U11 và các chương trình truyền hình mà anh đang tham gia. Trong đó, Phương Nam không giấu ước mơ xây dựng một chương trình dạy trẻ em đá bóng trên truyền hình hay nhất Việt Nam.
Theo Vnexpress
Ý kiến (0)