Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:42 (GMT +7)
Đặng Bá Hát - Người thợ mỏ anh hùng
Chủ nhật, 05/04/2020 | 11:17:16 [GMT +7] A A
Ở Quảng Ninh, có một liệt sĩ là tự vệ ngành Than đã được đặt tên cho một khu tưởng niệm, một con đường và đi vào ca khúc của nhạc sĩ Bùi Hội. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Bá Hát.
Di ảnh liệt sĩ Đặng Bá Hát. |
Anh hùng Đặng Bá Hát sinh năm 1936 tại thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông là bộ đội trở về từ cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi đầu quân cho phân xưởng Đống - Bến của Xí nghiệp Than Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai).
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Xí nghiệp đã nhanh chóng xây dựng một đơn vị tự vệ bao gồm công nhân làm việc ở các phân xưởng, nhà sàng, nhà máy than luyện, hỏa xa; đồng thời tổ chức huấn luyện quân sự, tích cực chuẩn bị về mọi mặt và sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh, đưa máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam, trong đó có thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh). Các chiến sĩ tự vệ Bến Hòn Gai đã chiến đấu anh dũng, cùng với các lực lượng phòng không, hải quân và tự vệ của các đơn vị khác tạo nên lưới lửa, góp phần bắn rơi 3 máy bay, bắt sống phi công Mỹ An-va-rét. Sau trận đánh này, thợ mỏ Đặng Bá Hát và 27 chiến sĩ tự vệ của đơn vị được tặng thưởng Huy hiệu 5/8.
12 năm công tác ở đây, Đặng Bá Hát đã xây dựng tổ sản xuất từ yếu kém trở thành Tổ lao động xã hội chủ nghĩa nhiều năm liền, từ một công nhân ông trở thành Phó Quản đốc Phân xưởng. Năm 1967, Đại đội pháo 37 ly thuộc Tiểu đoàn Tự vệ bến phà Hòn Gai được thành lập, Đặng Bá Hát được phân công làm Đại đội trưởng.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, Đặng Bá Hát đã chỉ huy đơn vị tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao. Ông đã mang kinh nghiệm từ những tháng năm trong quân ngũ vận dụng vào xây dựng lực lượng tự vệ bán vũ trang. Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Đặng Bá Hát, chỉ tính trong khoảng hai năm từ tháng 5/1972 đến tháng 10/1972, đơn vị đã bắn hạ một máy bay F4 và một máy bay F8, đánh 37 trận, tháo gỡ 104 quả bom, phá hơn 2.500 quả bom.
Đại đội trưởng Đặng Bá Hát và đồng đội trên trận địa. Ảnh tư liệu của Công ty Tuyển than Hòn Gai. |
Chiều ngày 12/7/1972, không quân Mỹ đánh phá bến phà Bãi Cháy. Khi ấy Đại đội trưởng Đặng Bá Hát và toàn khẩu đội tập trung cao độ quan sát mục tiêu, bắn trả quyết liệt. Không quân Mỹ đã nghi binh, dùng 2 máy bay bay thấp, đánh lén, ném bom trúng trận địa. Đặng Bá Hát bị mảnh bom xuyên thủng bụng, một tay giữ chặt vết thương, tay kia ông vẫn phất cờ lệnh và miệng ông còn hô: Bắn! Nhưng vết thương quá nặng, Đặng Bá Hát đã anh dũng hy sinh bên tháp pháo.
Sau khi Đặng Bá Hát hy sinh, lá cờ lệnh trong trận đánh ngày 12/7/1972 được sưu tầm và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3. Đây là một kỷ vật vô cùng thiêng liêng và có sức lan tỏa sâu rộng đối với khách tham quan trong công tác tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bà Mát bên di ảnh của người chồng anh hùng. |
Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu và lao động, đầu năm 1973, Đại đội tự vệ 37 ly của Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng lẵng hoa ngay tại trận địa. Xí nghiệp vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Đặng Bá Hát được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1995. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng đã đưa trận địa pháo phòng không Đặng Bá Hát vào danh mục Di tích lịch sử văn hoá và được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Trong trí nhớ của bà Đặng Thị Mát, vợ liệt sĩ Đặng Bá Hát thì ông là người hết lòng vì công việc không quản ngày đêm cùng anh em luyện tập, sẵn sàng chiến đấu nên rất ít khi về thăm nhà. Thế nhưng, mỗi lần về thăm nhà là ông lại quấn quýt với vợ con. Ông cũng là người rất nghiêm khắc không cho phép vợ con nhặt bất kỳ hòn than nào của công ty về để sưởi ấm.
Liệt sĩ Đặng Bá Hát được truy tặng danh hiệu Anh hung Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Trong tâm trí của chị Đặng Thị Mai, liệt sĩ Đặng Bá Hát là người cha rất thương yêu con cái nhưng ông cũng nghiêm khắc lắm. Mỗi lời ông nói ra như thể là quân lệnh. Còn với chị Đặng Thị Huệ, người cha anh hùng hy sinh khi chị còn rất nhỏ, chưa có nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, qua lời kể của bà Mát, của các cô chú và đồng đội của bố, từ sâu thẳm trong tim, chị thấy tự hào lắm. Những ký ức ấy đã như một điểm tựa vững chắc để chị Huệ không ngừng vươn lên.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()