Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 10:27 (GMT +7)
Đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông
Thứ 6, 21/03/2008 | 00:48:49 [GMT +7] A A
Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn hướng dẫn các Sở GD-ĐT đánh giá chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Phạm vi đánh giá bao gồm chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 11 và SGK từ lớp 1 đến lớp 11 cùng với chương trình, SGK thí điểm phân ban lớp 12 (đối với các trường thực hiện thí điểm phân ban).
Mục đích là nhằm đánh giá những ưu điểm và hạn chế của chương trình, SGK phổ thông. Từ đó Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để tiếp tục hoàn thiện chương trình, SGK nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của giáo dục phổ thông. Việc đánh giá phải đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc, toàn diện nội dung chương trình, SGK và từ thực tiễn dạy và học của giáo viên, học sinh các vùng, miền khác nhau trong cả nước. ý kiến đánh giá phải toàn diện, cụ thể, tránh đưa ra những nhận định chung chung, khó tiếp thu. Các Sở GD-ĐT lập kế hoạch tổ chức đánh giá chương trình, SGK phổ thông để chỉ đạo các trường THPT, các phòng GD-ĐT. Các trường tiến hành họp các tổ chuyên môn, lấy ý kiến của tất cả giáo viên đối với chương trình, SGK từng môn của các lớp trong cả cấp học, tổng hợp báo cáo với nhà trường; lấy ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh. Tổ chức hội thảo cấp trường, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo đánh giá của nhà trường. Việc đánh giá phải được báo cáo kết quả về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-4.
Chúng ta đều biết, trong những năm qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến chương trình, nội dung SGK của các cấp học phổ thông. Nhiều ý kiến của cả đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh đã nêu lên những bất cập, hạn chế của chương trình và SGK. Cụ thể như chương trình còn nặng nề, thiên về kiến thức kinh điển, còn có những chi tiết, kiến thức chưa chuẩn xác, các bộ SGK không có tính ổn định lâu dài, chưa phù hợp với đặc thù của các vùng, miền v.v.. Lý giải về sự bất cập, hạn chế này, nhiều ý kiến (cả trong ngành Giáo dục) cho rằng không ít người biên soạn chương trình, SGK chưa từng tham gia giảng dạy phổ thông, hay thực tế giảng dạy quá ít, thiếu thực tế, áp dụng máy móc các mô hình, kinh nghiệm của nước ngoài... Trong khi đó những người có thâm niên giảng dạy phổ thông, sâu sát thực tế thì lại không được biên soạn, không được lấy ý kiến...
Chủ trương đánh giá lại chương trình, SGK là hết sức cần thiết và cấp bách, lẽ ra phải được tiến hành sớm hơn. Chậm trễ ngày nào là tác động, ảnh hưởng đến hàng vạn, hàng triệu học sinh. Và để đảm bảo chính xác việc tổ chức đánh giá phải hết sức khoa học, tỉ mỉ, khách quan, tránh qua loa hình thức. Hy vọng qua lần đánh giá này, ngành GD-ĐT sẽ có chương trình, bộ SGK chuẩn về kiến thức, phù hợp với thực tế, có tính ổn định lâu dài phục vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.
Liên kết website
Ý kiến ()