Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:34 (GMT +7)
Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Thứ 7, 21/11/2015 | 05:19:24 [GMT +7] A A
Theo tổng hợp từ Ban điều hành OCOP, kết quả đến nay đã có trên 120 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (còn có tên gọi tắt từ tiếng Anh là OCOP). Cụ thể, có 30/120 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ thực hiện từ chu trình 2014 được hoàn thiện tiêu chuẩn sản xuất; 18 sản phẩm đã được hướng dẫn cho các địa phương xây dựng hồ sơ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Dự kiến, cuối năm 2015 này, sẽ có thêm 20-30 sản phẩm đăng ký. Cho đến nay, đã thu hút 92 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP.
Có thể khẳng định, chương trình OCOP đã và đang thực sự phát huy hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là người nông dân. Cùng với chuỗi các cửa hàng OCOP được tổ chức ở một số địa phương trong tỉnh như Hoành Bồ, Bình Liêu, Quảng Yên… thì tới đây Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ chính thức ra mắt với địa điểm cửa ngõ của tỉnh tại Đông Triều (khu Vĩnh Hồng, phường Mạo Khê) không chỉ đánh dấu bước tiến mới của chương trình mà còn góp phần làm tăng sức hút cho du lịch Quảng Ninh.
Chúng ta đều biết, ngay chính người dân trong tỉnh cũng rất “chuộng” sản phẩm OCOP. Điều này được thể hiện rõ ở Hội chợ OCOP lần 1 - năm 2015 cũng như sự hiện diện của các mặt hàng này ở một số trung tâm thương mại lớn trên địa bàn như Big C Hạ Long… Chính vì lẽ đó, việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP vừa là điều hết sức cần thiết đồng thời khẳng định hướng đi bài bản.
Theo Bộ tiêu chí này (do UBND tỉnh ban hành theo Quyết định 3479/QĐ-UBND, ngày 5-11-2015) thì việc đánh giá được chia thành 3 nhóm tiêu chí như sau: Các tiêu chí sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; các tiêu chí khả năng tiếp cận; các tiêu chí chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tiêu chuẩn phân hạng sản phẩm theo sao (cao nhất 5 sao, thấp nhất 1 sao) được đánh giá theo hình thức chấm điểm. Đáng chú ý, với mỗi thứ hạng sao của sản phẩm đã phân định rõ mức sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sản phẩm trung bình, sản phẩm yếu. Tương ứng với điều này chính là quy định về phạm vi phát triển sản phẩm. Ví dụ như sản phẩm 5 sao được triển khai xúc tiến thương mại trên toàn quốc và xuất khẩu, còn hạng 3 sao chỉ được triển khai xúc tiến thương mại trong phạm vi tỉnh.
Với sự quy chuẩn và chặt chẽ của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chính là một bước nâng tầm chương trình và cũng là cụ thể hoá hơn nữa trong thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Hy vọng rằng, không chỉ với người dân trong tỉnh, thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh sẽ còn vươn xa tới nhiều thị trường trong và ngoài nước từ sự đầu tư, quản lý chuyên nghiệp.
Ngọc Lê[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()