Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:43 (GMT +7)
Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8: Dành sự chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Thứ 3, 10/08/2021 | 08:13:00 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, song những mất mát, đau thương vẫn hiện hữu trong không ít gia đình những người lính từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các vùng quê do di chứng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam.
Trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh Quảng Ninh dù là thương binh, bệnh binh, bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin nhưng đã luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Họ thực sự là những tấm gương sáng tiêu biểu giữa thời bình để các thế hệ trẻ noi theo.
60 năm thảm họa da cam Việt Nam
Theo tài liệu tuyên truyền của Trung ương Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam và Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Ninh cung cấp, ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng CĐDC/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật, sức khỏe của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam. Trong suốt 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống thôn làng, đồng ruộng và rừng cây với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.
Sau 60 năm thảm họa da cam, di chứng của CĐDC/dioxin vẫn còn rất lớn ở đất nước ta. CĐDC/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, CĐDC/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC/dioxin là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC/dioxin đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4 của người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 5.025 trường hợp bị nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó có 4.172 trường hợp trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến và 853 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin.
Nạn nhân chất độc da cam vượt khó vươn lên
Những người lính năm xưa dù bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin nhưng về với đời thường đã tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, như vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ, khoa học - kỹ thuật; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình... Toàn tỉnh có 371 nạn nhân CĐDC/dioxin có tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (khoảng 9,5%) với thu nhập từ vài chục triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm, một số có doanh thu cao từ 2-3 tỷ đồng/năm; 169 nạn nhân CĐDC/dioxin chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, trồng rừng, cây ăn quả quy mô nhỏ; 68 nạn nhân CĐDC/dioxin phát triển trang trại từ 1ha trở lên.
Tiêu biểu là nạn nhân CĐDC/dioxin, thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Dẫn (SN 1952, khu Yên Lâm 1, phường Đức Chính, TX Đông Triều). Năm 1979, sau khi xuất ngũ trở về địa phương mặc dù bị mù 1 mắt phải, là nạn nhân CĐDC/dioxin trong quá trình chiến đấu ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do thời kỳ này kinh tế gia đình gặp khó khăn, nên CCB Nguyễn Văn Dẫn thương luôn trăn trở phải làm gì để thoát cảnh đói nghèo. Ban đầu ông làm nhiều nghề sửa xe đạp, buôn bán thịt lợn, giò chả, dịch vụ hiếu hỉ để phát triển kinh tế gia đình, nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Ông Dẫn chia sẻ: “Tôi đã may mắn hơn hàng trăm, hàng nghìn đồng đội nằm xuống nơi chiến trường. Thế nên, dù cuộc sống thường nhật có khó khăn, vất vả đến đâu, tôi cũng không đầu hàng”.
Lúc này, nhiều đồng đội ở địa phương cũng có cuộc sống khó khăn nên ông Dẫn đã có ý tưởng hợp sức cùng họ thành lập một công ty để dựa vào nhau phát triển kinh tế. Nghĩ là làm, ông Dẫn cùng 15 đồng đội đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Thương binh 2/9 vào năm 2008. Sau khi nghiên cứu thị trường và nguồn vốn ban đầu, Công ty TNHH Thương binh 2/9 đã đầu tư mở một xưởng đóng than tổ ong và dịch vụ san lấp mặt bằng. Trong đó, xưởng đóng than tổ ong do chính ông Dẫn và các đồng đội là lao động chính. Ông Dẫn chia sẻ: Do nhu cầu sử dụng than tổ ong trong đun nấu giảm cùng với đó sức khỏe của tôi cũng như đồng đội kém dần nên không thể tiếp tục duy trì xưởng đóng than tổ ong. Sau khi nghiên cứu thực tế, năm 2011, tôi đã chuyển hướng sang sản xuất, phân phối nước uống đóng chai mang tên Ngọc Á và tiếp tục duy trì dịch vụ san lấp mặt bằng cho đến nay. Công ty có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện Công ty TNHH Thương binh 2/9 do ông Dẫn làm chủ đang tạo việc làm cho 30 lao động là thương binh, nạn nhân CĐDC/dioxin, con em của họ và người dân trên địa bàn với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng. Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người mà Công ty sắp xếp công việc phù hợp. Hằng năm, Công ty còn ủng hộ quỹ nhân đạo từ thiện trên 10 triệu đồng.
CCB Vương Đức Lâm (SN 1952, khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính, TX Đông Triều) không những bị nhiễm CĐDC/dioxin mà người con đầu lòng của ông cũng bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin mắc bệnh tâm thần từ khi sinh ra. Từ năm 2008 đến nay, ông Lâm đã làm việc tại Công ty TNHH Thương binh 2/9. Ông Lâm chia sẻ: Nhờ có công việc ổn định nên kinh tế gia đình tôi ngày càng khấm khá. Bên cạnh đó, tôi và con gái bị bệnh cũng được hưởng trợ cấp của Nhà nước; thường xuyên được thăm hỏi, tặng quà. Đây là sự hỗ trợ rất lớn, là niềm động viên tinh thần để gia đình tôi cố gắng chăm lo cho con bị bệnh tốt hơn.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm CCB Phạm Văn Cát (SN 1946, khu Tân Mai, phường Đông Mai, TX Quảng Yên) là thương binh 1/4, nạn nhân CĐDC/dioxin, nhưng bằng nghị lực của người lính, gia đình ông đã đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 1970, CCB Phạm Văn Cát nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ; sau đó chiến đấu giúp đất nước bạn Campuchia. Năm 1976, ông phục viên trở về quê hương và làm việc tại trang trại lợn Đông Mai đến năm 1993 thì giải thể.
Quyết không cam chịu đói nghèo, ông tiếp tục lăn lộn đi làm nhiều nghề để có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình. Đến năm 1995, CCB Phạm Văn Cát đã mạnh dạn xin địa phương cấp phép hơn 1ha đất đồi trước kia là trang trại lợn Đông Mai để chuyển đổi trồng cây ăn quả. Từ mô hình trồng vải thiều ban đầu sau đó chuyển sang trồng cam, bưởi rồi đến nay trồng na bở, na Đài Loan, hồng giòn và nuôi ong lấy mật. Để mang lại giá trị kinh tế, CCB Phạm Văn Cát đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả thông qua các mô hình cụ thể, trên sách, báo, mạng Internet. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, vườn cây ăn quả của gia đình ông Cát mang lại thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.
Ông Cát còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, là chủ tịch hội làm vườn phường Đông Mai và chi hội trưởng hội nông dân, CCB tại khu phố. Thông qua đó, ông Cát đã không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm trồng các loại cây ăn quả cho người dân địa phương để cùng nhau phát triển.
Đến năm 2018, toàn tỉnh không còn hộ gia đình là nạn nhân CĐDC/dioxin có thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong hơn 200 nạn nhân CĐDC/dioxin vươn lên thoát nghèo, có hàng chục trường hợp là những đối tượng đặc biệt khó khăn. Tiêu biểu như cặp vợ chồng hội viên Đào Xuân Hạ và Dương Thị Chăm (phường Phương Đông, TP Uông Bí) có 2 người con bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin (tâm thần, bị liệt) nhưng đã vượt khó đi lên; với việc cải tạo vườn tạp nay đã cho sản phẩm bốn mùa, có tích lũy, đã tự xây dựng được nhà ở chắc chắn, ổn định, chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo. Hội viên Nguyễn Văn Xoay (xã An Sinh, TX Đông Triều) sức khỏe yếu do ảnh hưởng của CĐDC/dioxin nhưng bằng nghị lực phi thường đã tích cực lao động sản xuất để nuôi dưỡng 2 người con bị tâm thần. Hay các hội viên Nguyễn Thị Thiều, Lê Đình Tuân, Đinh Văn Bình ở TX Quảng Yên; Trương Văn Chiến, TP Uông Bí; Phạm Đức Chập, TP Hạ Long đều là những hộ có hai thế hệ và có 2, 3 nạn nhân CĐDC/dioxin đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nay có cuộc sống ổn định.
Vì nạn nhân chất độc da cam
Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân CĐDC/dioxin, như: Trợ cấp thường xuyên và đột xuất, hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, học bổng và tìm kiếm việc làm, giúp đỡ nạn nhân với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Ninh, cho biết: Bên cạnh các chế độ chính sách cho nạn CĐDC/dioxin, Hội còn thường xuyên vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm (2011-2021), các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ bằng tiền và hiện vật quy đổi ra tiền trên 52 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, các cấp Hội đã hỗ trợ nạn nhân CĐDC/dioxin xây, sửa nhà; tặng thẻ BHYT hàng năm cho vợ (mẹ) trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân đặc biệt nặng; trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho nạn nhân (từ 300-500 nghìn đồng/người/tháng); hỗ trợ công cụ, phương tiện sản xuất, vay vốn phát triển kinh tế; trợ cấp phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt; thăm hỏi, tặng quà các dịp lễ, Tết...
Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và các tổ chức hảo tâm, từ năm 2016, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Ninh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giải độc và Phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC/dioxin. Đến nay đã có gần 500 lượt nạn nhân CĐDC/dioxin được giải độc dioxin bằng phương pháp Hubbard qua xông hơi và được cải thiện sức khỏe rõ rệt.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, Sở Y tế Quảng Ninh giao cho Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh triển khai Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân CĐDC/dioxin” trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Bệnh viện đã khám bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho 300 nạn nhân CĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh. Tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) hàng năm đều chăm sóc, điều dưỡng cho hàng trăm lượt người có công là thương binh, bệnh binh, nạn nhân CĐDC/dioxin.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của xã hội, những đau thương, mất mát của các gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin đã phần nào được vơi bớt tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp họ vượt qua những di chứng của chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()