Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:18 (GMT +7)
"Đánh thức" một vùng di sản nhà Trần…
Chủ nhật, 05/04/2020 | 09:06:03 [GMT +7] A A
Từ chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh phục vụ phát triển du lịch bền vững của tỉnh, các di sản văn hóa nhà Trần tại Đông Triều đã thoát khỏi tình trạng "ngủ quên", từng bước được đầu tư bài bản. Qua đây góp phần đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của vùng đất cửa ngõ phía Tây Quảng Ninh.
Khảo cổ đi đầu, song hành với đầu tư tôn tạo
Am Ngọa Vân qua khảo cổ đã được khẳng định chính là nơi vua Trần Nhân Tông hóa phật vào năm 1308. (Ảnh chụp tháng 12/2018) |
Mười năm trở về trước, bất cứ ai đến thăm các di sản nhà Trần ở Đông Triều có lẽ cũng băn khoăn, đau xót trước khung cảnh hoang sơ, tiêu điều nơi đây.
Chùa Quỳnh Lâm là ngôi chùa lớn, nổi danh trong lịch sử nhưng không còn dấu vết, chỉ còn một vài di vật cổ nằm rải rác trong vườn chùa, công trình mới cũng nhỏ bé, không tương xứng giá trị. Thái lăng hoang phế nằm trên đảo nhỏ giữa hồ Trại Lốc, luôn ở trong tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.
Đền Thái và nhiều lăng mộ các vua Trần nằm trong các vườn vải rộng lớn đã giao cho người dân canh tác, cũng trong tình trạng phế tích. Chỗ có được một gian nhà nhỏ để thờ cúng, chỗ chỉ là nơi đặt bát hương.
Quần thể am - chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên khuất nẻo trên núi cao cũng chỉ còn nền móng, phía trên là những công trình nhỏ bé do đời sau xây dựng, đường đi rất gập ghềnh, khó khăn, phải len lỏi qua suối, vừa đi vừa bám cây, dò đường theo các lối mòn nhỏ trong rừng…
Công tác khai quật khảo cổ học được tiến hành tại các di tích nhà Trần ở Đông Triều trong hơn mười năm qua. Trong ảnh: Các nhà khoa học tham quan một mặt bằng khảo cổ học tại đền An Sinh, năm 2018. |
Các di sản nhà Trần tại Đông Triều rơi vào thảm cảnh ấy vì nhiều nguyên do, từ sự tàn phá của chiến tranh, do thời gian và cả sự phá hoại của con người. Quần thể di sản này được đặc cách công nhận là Di tích cấp Quốc gia từ đợt đầu tiên năm 1962 nên hồ sơ, giá trị các điểm di tích cũng chưa thật đầy đủ…
Để nhận diện, khẳng định giá trị các điểm di tích thì công tác khảo sát, khai quật khảo cổ học phải đi đầu. Kết quả khảo cổ cũng là cơ sở khoa học phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích sau này.
Vậy là, dấu chân các nhà khảo cổ bắt đầu ở hàng loạt các di tích nhà Trần nơi đây, kéo dài từ quãng năm 2007, 2008 cho đến gần đây, như: Thái lăng, chùa Quỳnh Lâm, đền Thái, chùa Ngọa Vân, chùa Trung Tiết, chùa Hồ Thiên, lăng Tư Phúc, lăng vua Trần Nghệ Tông, lăng vua Trần Hiến Tông, chùa – quán Ngọc Thanh, đền An Sinh, am Ngọa Vân, khu Đá Chồng…
Qua đây, nhiều giá trị đặc sắc của các di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được khẳng định. Trong đó, am Ngọa Vân chính là nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật. Đền Thái chính là Thái miếu, nơi thờ hoàng tộc của nhà Trần với kiến trúc mặt bằng hình chữ Vương độc đáo bậc nhất còn lại tới ngày nay…
Chùa Trung Tiết là một trong những di tích đã được trùng tu, tôn tạo, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân và trở thành điểm du lịch của Đông Triều. Ảnh chụp tháng 12/2018. |
Nối tiếp và song hành với quá trình khai quật khảo cổ, việc đầu tư tôn tạo các di tích cũng bắt đầu, tạo diện mạo mới cho các di tích. Ngoại trừ Thái Lăng được trùng tu từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, còn lại hàng loạt các di tích tiếp theo như 2 ngôi tháp cổ tại khu vực Thông đàn, chùa Ngọa Vân, Thái miếu, chùa Trung Tiết, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên… đều được TX Đông Triều phối hợp huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Trong đó, lớn nhất là Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup công đức 500 tỷ đồng đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích nhà Trần, giai đoạn 2018-2020. Đến nay, nhiều di tích đã hoàn thành, đưa vào phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và trở thành các điểm du lịch của địa phương, như chùa Ngọa Vân, Thái Miếu, chùa Trung Tiết…
Con đường dẫn vào các di tích nhà Trần nay đều được trải bê tông rộng thênh thang, phẳng lỳ với những hàng cây xanh trồng hai bên đường. |
Chung tay đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm cũng được ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và người dân chung tay đóng góp đầu tư xây dựng.
Đến nay, du khách hành hương về đây được chào đón ngay từ đường quốc lộ với Cổng khu di tích nhà Trần được thiết kế khang trang, to đẹp, trang trí tinh xảo. Con đường dẫn vào các di tích đều được trải bê tông rộng thênh thang, phẳng lỳ với những hàng cây xanh tốt trồng hai bên đường.
Ngọa Vân, điểm đến không thể thiếu của khách hành hương, không chỉ có đường đi bộ giữa rừng trúc xanh tươi được kè lát bậc đá thuận tiện mà còn được đầu tư hệ thống cáp treo, giúp tiết kiệm thời gian và sức lực rất lớn cho du khách. Thêm nữa, tuyến đường Ngọa Vân - Hồ Thiên - Yên Tử đã thông tuyến, giúp việc kết nối giữa các di tích càng thêm thuận lợi.
Nghi lễ rước nước, một trong những điểm nhấn quan trọng của Lễ hội Thái Miếu, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng (CTV) |
Cùng với trùng tu di tích, mở rộng đường giao thông, đầu tư hệ thống dịch vụ, Đông Triều còn khôi phục một số lễ hội gắn với các di tích, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh vừa tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Cụ thể, lễ hội xuân Ngọa Vân mở hội lần đầu tiên gắn liền với việc khánh thành tu bổ, tôn tạo chùa Ngọa Vân vào năm 2016. Lễ hội Thái Miếu được tổ chức lần đầu vào mùa xuân năm 2019, sau khi công trình tu bổ, tôn tạo di tích khánh thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2018. Các lễ hội này được tổ chức thường niên (trừ những trường hợp đặc biệt) với nhiều nghi lễ đặc sắc, độc đáo và phong phú về phần hội.
Thêm một bước phát triển nữa, hứa hẹn sự đột phá cho du lịch văn hóa tâm linh gắn với các di sản nhà Trần tại Đông Triều. Đó là sau khi tiếp nhận hệ thống cáp treo lên Ngọa Vân, tháng 7/2019, Công ty CP Myway Việt Nam đã ký kết Văn bản ghi nhớ với TX Đông Triều và Đại học Quốc gia Hà Nội về việc hợp tác phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn, giai đoạn 2019-2023.
Công ty CP Myway Việt Nam hiện đã tiếp nhận hệ thống cáp treo lên Ngọa Vân và cam kết sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng tại khu vực Ngoạ Vân - Hồ Thiên trong thời gian tới đây. Ảnh chụp tháng 2/2019. |
Theo đó, Công ty CP Myway Việt Nam cam kết sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng tại khu vực Ngoạ Vân - Hồ Thiên, gồm 10 phân khu: Khu vực từ cổng di tích đến hồ Trại Lốc; khu vực từ hồ Trại Lốc đến ga Trại Lốc; khu vực từ chùa Ngọa Vân đến di tích Đá Chồng; khu vực chùa Hồ Thiên - ga Bãi Bằng; khu vực hồ Vành Mâm; khu vực hồ Bến Châu; khu vực công viên công cộng; khu vui chơi giải trí…
Việc đầu tư hệ thống dịch vụ này nhằm tạo ra một tổng thể dự án văn hóa tâm linh đẹp, với mục tiêu phát triển các di tích lên một tầm cao mới.
Quần thể khu di sản nhà Trần tại Đông Triều là nguồn tài nguyên lớn, đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh của địa phương nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Các di sản đã được đầu tư bài bản, với chiến lược lâu dài và cho thấy sức thu hút tốt với các doanh nghiệp lớn, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ của du lịch văn hóa tâm linh nơi đây trong một tương lai không xa.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()