Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:11 (GMT +7)
Đánh thức tiềm năng công nghiệp văn hoá
Thứ 6, 22/01/2021 | 06:17:58 [GMT +7] A A
Nhằm xác lập chủ trương nhất quán về phát triển công nghiệp văn hoá (CNVH), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: “Phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa”. Quán triệt tinh thần này, Quảng Ninh đã có những bước đi bài bản, nhằm khai thác, phát huy các thế mạnh của địa phương, tạo động lực bền vững nhằm thúc đẩy CNVH phát triển.
Tuần Văn hóa - Du lịch và Hội Mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2020 (11/2020). Ảnh: Tạ Quân |
Năm 2007, trong cuốn sách “Thống kê về CNVH: Nền tảng xây dựng các dự án nâng cao năng lực dữ liệu quốc gia” của UNESCO đã đưa ra khái niệm: "CNVH là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể, phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải, thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm, dịch vụ dựa vào tri thức". CNVH là sự nghiệp kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế.
Ở Việt Nam, khái niệm các ngành CNVH được biết nhiều từ năm 2014, khi Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra nhiệm vụ: “Phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa”.
Quang cảnh buổi tế thủy tổ của các dòng họ tại Hà Nam, TX Quảng Yên. Ảnh: Dương Phượng Đại |
Quán triệt tinh thần này, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó nêu rõ: Phát triển các ngành CNVH Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Có thể thấy, với những định hướng của Chính phủ, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển ngành CNVH. Bởi lẽ, Quảng Ninh vốn nổi tiếng là vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa hàng nghìn năm lịch sử với nhiều nét riêng, đặc thù. Trên địa bàn tỉnh có gần 1.500 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, hơn 600 di sản văn hóa vật thể, 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 55 di tích cấp quốc gia, 83 di tích cấp tỉnh, còn lại di tích đã kiểm kê, phân loại; 6 di sản đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không chỉ có số lượng lớn di sản mà quy mô, tầm vóc các di sản của Quảng Ninh cũng rất đáng nể so với các địa phương trong cả nước.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định: Từ di sản văn hóa đến nền kinh tế sáng tạo, cụ thể là CNVH là điều kiện để thúc đẩy phát triển xã hội. Bởi CNVH không chỉ là một bộ phận của nền kinh tế, mà còn đóng vai trò là sợi dây liên kết các mặt của xã hội, kinh tế, môi trường để đạt sự bền vững lâu dài. |
Chính vì vậy, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cũng như triển khai hiệu quả Quyết định 1755 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 18/1/2018 về thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh định hướng phát triển CNVH theo tiềm năng, lợi thế sẵn có bao gồm: Du lịch văn hóa; quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
Đánh thức tiềm năng
Trong quá trình triển khai Kế hoạch số 15/KH-UBND, tỉnh đã xác định rõ du lịch văn hoá là một trong những lĩnh vực tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế mạnh mẽ nhất để phát triển CNVH. Cụ thể, việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm văn hóa (văn hóa bản sắc dân tộc, văn hóa ẩm thực), chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” góp phần đắc lực cho các địa phương phát triển hoạt động du lịch. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, tâm linh đã tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng cho Quảng Ninh. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi năm (từ mồng 1-6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70-100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn.
Vào dịp Tết Nguyên đán, đông đảo du khách hành hương về tham quan, vãn cảnh, dâng lễ tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả). Ảnh: Phan Hằng. |
Có thể nhận thấy CNVH nói chung, du lịch văn hóa nói riêng đang dần trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững. Minh chứng rõ nét nhất, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế đều bị ngưng trệ, nhất là lĩnh vực du lịch. Nhưng khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chính các chương trình biểu diễn, hoạt động văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông du khách đến với Quảng Ninh.
Một số sự kiện văn hóa có quy mô và ý nghĩa lớn như: Festival âm nhạc Quốc tế - Hạ Long 2020, Festival áo dài Quảng Ninh - 2020, Đêm nhạc Đỗ Hòa An, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Ninh...
Tại Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 được tổ chức vào tháng 12/2020, Tổng đạo diễn chương trình, Nhà thiết kế Minh Hạnh, đánh giá: Quảng Ninh hội tụ những giá trị độc đáo về di sản và văn hóa. Vì vậy, các nhà thiết kế đã tìm hiểu, sáng tạo, khai thác triệt để và tái hiện sống động tất cả những hình ảnh, bản sắc, văn hóa đẹp nhất của Quảng Ninh qua tà áo dài Việt Nam. Do đó, Festival áo dài vừa là cơ hội để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá về vùng đất di sản Quảng Ninh, vừa là dịp để tôn vinh tà áo dài truyền thống, cũng là cách quảng bá hình ảnh áo dài trong hành trình trở thành di sản văn hóa quốc gia và thế giới. |
Bên cạnh đó, sức hút từ các công trình văn hóa cũng đã góp phần kích cầu du lịch, thu hút hàng ngàn du khách đến Quảng Ninh. Nhờ vậy, ngành Du lịch đã dần khởi sắc. Chỉ tính riêng Khu di tích danh thắng Yên Tử, trong năm 2020 đã đón trên 300.000 lượt khách du lịch đến chiêm bái, nghỉ dưỡng. Trong đó, cao điểm công suất phòng nghỉ tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử trung bình đạt trên 90%, vào dịp cuối tuần có khi lên đến 100%. Hay như ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, tính từ năm 2015 đến nay, đã đón 1,2 triệu lượt khách du lịch trong nước, quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2020, lượng khách đến Bảo tàng ước 340.000 lượt, tăng gấp 5 lần năm 2015. Đến hết năm 2020, tổng số du khách đến với Quảng Ninh đạt 8,8 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tỉnh đã triển khai Đề án thành lập Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở hợp nhất Đoàn Kịch, Đoàn nghệ thuật Chèo, Đoàn nghệ thuật Cải lương. Theo đó, Đoàn thực hiện chức năng bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống, phát triển nghệ thuật đương đại, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng đã dần hình thành, tạo thêm sản phẩm văn hoá góp phần thu hút khách du lịch. Nhất là, hoạt động biểu diễn múa rối không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật văn hóa truyền thống Việt Nam, mà còn giới thiệu, quảng bá, phục vụ du khách trong và ngoài nước khi tới du lịch tại Quảng Ninh.
Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 - Miền di sản được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12/2020 tại TP Cẩm Phả. |
Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, các nghệ sĩ trong tỉnh đã có nhiều tác phẩm chất lượng. Cùng với đó, công trình Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị, Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh và Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc chứa đựng các giá trị về đời sống sinh hoạt, sản xuất và lao động hàng ngày của người dân địa phương, thu hút đông đảo du khách tới tham quan. Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm văn học nghệ thuật, chương trình hội chợ đem lại hiệu quả cao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Cũng như, giúp người tiêu dùng tạo niềm tin trong nhân dân và người tiêu dùng, góp phần quảng bá những sản phẩm tiêu biểu của Quảng Ninh tới người dân, du khách.
Đối với lĩnh vực quảng cáo, trong những năm gần đây, hoạt động này cũng phát triển mạnh với sự tham gia đông đảo của các lực lượng kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong, ngoài tỉnh; giúp cung cấp thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đến với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các chính sách, thủ tục hành chính cũng được cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh quảng cáo. Ngoài ra, nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở VH-TT đã áp dụng các biện pháp mạnh thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Với những kết quả ấy, Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã nhận định: CNVH bước đầu được hình thành, đã có một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Carnaval mùa Đông diễn ra vào tháng 1/2021 ngay bên bờ Vịnh Hạ Long trong không khí tưng bừng, rực rỡ sắc màu. Ảnh: Đỗ Phương |
Động lực cho sự phát triển
Có thể thấy, để xây dựng nền CNVH, bước đầu tỉnh đã dành nguồn lực thỏa đáng tương xứng với mức tăng thu ngân sách của tỉnh, cũng như huy động từ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo thống kê, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trong 5 năm qua đạt gần 3.900 tỷ đồng, chiếm 6% trên tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TU của tỉnh về xây dựng văn hóa - con người Quảng Ninh được ban hành, tỉnh đã dành gần 900 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư cho văn hóa. Cùng với đó, trong 5 năm qua, từ nguồn lực xã hội hóa, các di tích quốc gia đặc biệt đã được đầu tư tôn tạo với kinh phí cả chục nghìn tỷ đồng; 15,9% di tích cấp quốc gia, 22% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp, xây mới với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng.
Không những thế, nhiều doanh nghiệp cũng rất tích cực trong việc phát huy tối đa giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Trước đây hệ thống dịch vụ của Yên Tử rất đơn sơ, du khách đến Yên Tử chủ yếu là hành hương, thực hiện các nghi thức tâm linh. Ngày nay, Yên Tử đã thay đổi rất nhiều. Công ty đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng khu nghỉ dưỡng Legacy, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo giúp du khách cảm nhận, tiếp cận đa dạng ở góc độ văn hóa, nghệ thuật, hoạt động kinh tế đêm... Để phát huy được hết các lợi thế riêng có của vùng đất Tổ Phật giáo kỳ vĩ, linh thiêng, huyền bí với những đầu tư xứng tầm giá trị, trong thời gian tới, chúng tôi cũng đang hết sức nỗ lực giữ gìn hình ảnh và nâng cao chất lượng nhằm đưa Khu di tích danh thắng Yên Tử trở thành điểm đến 4 mùa an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Năm 2021, dự kiến Yên Tử sẽ phấn đấu đón 1 triệu lượt khách đến chiêm bái, nghỉ dưỡng.
Trong chuyến thăm Bình Liêu tháng 11/2020, ông Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đánh giá cao giá trị văn hoá của Quảng Ninh nói chung trong phát triển du lịch. |
Có thể thấy, văn hóa chính là một trong những thành tố quan trọng để phát triển du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy, văn hóa là nền tảng phát triển của xã hội, đặc biệt là nền tảng phát triển du lịch. Ngành Du lịch kỳ vọng rất nhiều từ lĩnh vực văn hóa, không chỉ là văn hóa đơn thuần mà phải từng bước trở thành ngành CNVH, khi đó chúng ta mới tạo ra sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Điều đó không chỉ dựa vào nhận thức của người dân mà phải là sự thay đổi tư duy của cả cơ quan quản lý nhà nước. Việc phát triển phải chú trọng sự hài hòa, vẫn giữ được bản sắc dân tộc nhưng không nhàm chán, phải có nét mới để hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Quảng Ninh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, điều kiện kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các địa phương nên việc đầu tư cơ sở vật chất trong phát triển các ngành CNVH hiện nay gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chưa hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, công tác huy động xã hội hóa cho hoạt động văn hóa còn hạn chế; thiếu chính sách và các quy định khuyến khích việc đầu tư, xã hội hoá của các doanh nghiệp nhằm phát triển các ngành CNVH. Ngoài ra, có thể kể đến những khó khăn về việc thiếu chính sách thu hút tài năng văn hóa; một số chính sách, chế độ đối với người làm công tác nghệ thuật; công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa, quản lý văn hóa chưa được quan tâm đúng mức.
Bộ sưu tập Đào của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn được trình diễn tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử vào tháng 12/2020. |
Được biết, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu doanh thu ngành CNVH đóng góp tỷ trọng tăng dần theo từng năm, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Theo đó, doanh thu của ngành du lịch văn hóa ước đạt 20% doanh thu của ngành Du lịch thông qua các hoạt động, sự kiện văn hóa, biểu diễn, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2030 đạt 30 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 15 triệu lượt.
Về nghệ thuật biểu diễn, triển lãm, phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao ở các loại hình nghệ thuật nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu khán giả trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng quy mô, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các cơ quan thông tấn, báo chí phát triển hoạt động quảng cáo, nhất là trên môi trường mạng.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Trần Tiến Dũng, để làm được điều đó, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Đồng thời, xây dựng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành CNVH trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực bằng cách đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực, cải thiện kỹ năng quản lý, kinh doanh trong các ngành CNVH.
Thực tế, với đặc thù của văn hóa, việc thực hiện CNVH không phải chỉ là đạt được những con số mà quan trọng nhất chính là đánh thức tiềm năng sáng tạo, nuôi dưỡng nhiệt huyết của những người làm nghề để tạo ra những giá trị, sản phẩm chất lượng. Có như vậy, CNVH mới tiến bước vững chắc, góp phần trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hội nhập.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()