Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 00:49 (GMT +7)
Đạo làm thầy
Chủ nhật, 17/11/2013 | 05:07:36 [GMT +7] A A
Trong cuộc sống, mỗi khi nói đến những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mà ai đó trong vai trò, vị trí nào đó, có bổn phận, nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ, không làm trái với nó, người ta thường bảo: Phải làm cho đúng đạo! Có đạo làm cha, đạo làm con, đạo làm vợ, đạo làm chồng v.v.. Và lớn hơn nữa là đạo làm người.
Cũng như vậy, với các nhà giáo, có đạo làm thầy. Đạo làm thầy là cái thước đo, là chuẩn mực đạo đức của nhà giáo mang tính truyền thống, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử phát triển của xã hội. Người xưa quan niệm làm thầy mà cho “đúng đạo” là không dễ, không phải ai cũng làm được. Người làm thầy phải có thiên tư, có học vấn, có kiến thức v.v.. và nhất là phải có cái tâm trong sáng, dạy dỗ học trò không ngại mỏi mệt, mong muốn và dốc lòng để cho học trò giỏi giang hơn cả mình... Nói tóm lại, người thầy phải là tấm gương cho trò noi theo về mọi phương diện, từ hiểu biết đến đạo đức, phong cách, lối sống... Trong lịch sử từng lưu danh những tấm gương sáng về đạo làm thầy; và hiện nay cũng có rất nhiều những nhà giáo, với lòng tự trọng nghề nghiệp, luôn phấn đấu để không làm hoen ố danh hiệu người thầy. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, hoàn cảnh xã hội cũng đã có những tác động đáng kể khiến cho “đạo làm thầy” không còn được như trước nữa. Một sinh viên sư phạm sau khi ra trường phải chạy chọt đủ mọi cách, thậm chí cả đút lót, để có một chỗ làm việc, thì làm sao còn nghĩ đến chuyện “hành đạo” cho đúng, cho đẹp được? Và có mấy giáo viên sẽ cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng khi vào những ngày lễ, như ngày 20-11 chẳng hạn, trong bó hoa chúc mừng có cài thêm chiếc phong bì của phụ huynh học sinh? (Điều đó đã thành “chuyện bình thường” trong cuộc sống rồi mà!). Chính những điều đó làm cho “đạo làm thầy” mất thiêng, mất đi giá trị cao quý của nó! Tất nhiên, trong cuộc sống hiện tại, khi mà cơ chế thị trường đang “lên ngôi”, khi mà đồng lương của giáo viên còn eo hẹp hơn nhiều ngành nghề khác, thì việc giữ cho trọn “đạo làm thầy” là cả một vấn đề. Nhưng cho dù thế nào thì cũng không thể để “đạo làm thầy” bị xói mòn được! Bởi giáo dục là “cái gốc” của nước nhà, mà người thầy lại là “cái gốc” của giáo dục; nói cách khác, có “Lương sư” thì mới “Hưng quốc” được. Và vì thế, trách nhiệm này không chỉ là của ngành giáo dục, của các nhà trường, mà là của toàn xã hội!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()