Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:56 (GMT +7)
Quảng Yên: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng vào các KCN
Thứ 3, 08/06/2021 | 09:14:45 [GMT +7] A A
Quảng Yên đang trong quá trình đô thị hóa. Vì thế, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn luôn được thị xã đặc biệt quan tâm.
Hà An là một trong những phường, xã của thị xã có quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. 5 năm gần đây, diện tích nông nghiệp ngày một thu hẹp, người dân chuyển sang làm các ngành dịch vụ, du lịch ngày càng tăng. Được sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh, thị xã, công tác đào tạo nghề được triển khai với nhiều chính sách, chế độ ưu đãi, thu hút được sự quan tâm của người dân.
Kinh doanh ăn uống gần 20 năm, nhưng do không được đào tạo bài bản nên thu nhập của hộ bà Nguyễn Thị Tân (khu 3, phường Hà An) không ổn định. Cách đây 4 năm, được sự quan tâm, hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước, bà Tân đã tham gia khóa học nấu ăn. “Có học có hơn, từ ngày được đào tạo bài bản, hàng ăn của tôi phục vụ chuyên nghiệp hơn, được người dân chọn là địa điểm ăn uống tin cậy. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn” - bà Tân chia sẻ.
Chị Phạm Thị Hà (khu 1, phường Hà An) sau khi được tham gia khóa đào tạo nghề lái xe do thị xã tổ chức, đã đầu tư ô tô chạy taxi. Ngoài công việc kinh doanh tự do gia đình, vợ chồng chị thay nhau chạy taxi để nâng cao thu nhập, mỗi tháng thu nhập thêm gần chục triệu đồng, giúp gia đình chị nuôi 3 con ăn học.
4 năm qua, phường Hà An mở được 7 lớp đào tạo nghề cho 211 học viên, với các nghề: Nuôi trồng thủy sản; kỹ thuật trồng nấm; chế biến món ăn; lái xe ô tô. Sau khi tham gia các lớp nuôi trồng thủy sản, trên 90% các học viên có việc làm ổn định, áp dụng kỹ thuật nuôi tôm, cá trong các ao đầm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các lao động học dịch vụ, du lịch, 80% có việc làm, thu nhập từ 4-8 triệu đồng/tháng... Hiện mức thu nhập bình quân toàn phường là trên 80 triệu đồng/người/năm.
Theo bà Bùi Thị Hoa Lệ, cán bộ phòng LĐ-TB&XH thị xã: Công tác đào tạo nghề của thị xã đã có những kết quả tích cực. Các nghề đào tạo bám sát nhu cầu sử dụng lao động, giải quyết việc làm, phục vụ cho sự phát triển của địa phương, góp phần tăng năng suất, thu nhập của lao động nông thôn, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế từng bước thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
5 năm qua, thị xã đã mở được 46 lớp đào tạo với tổng số 1.474 học viên, gồm các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Trong đó 1.301 lao động đã tốt nghiệp, gần 92% số lao động có việc làm sau đào tạo. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao.
Thị xã đã phát triển 43 lượt cơ sở dạy nghề, trong đó có 8 cơ sở ngoài công lập. Riêng năm 2019 thị xã chi ngân sách đầu tư 800 triệu đồng cho Trung tâm GDNN & GDTX, mở rộng phòng thực hành đào tạo nghề lao động nông thôn. Bên cạnh thực hiện các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề của trung ương, tỉnh; thị xã còn xây dựng các cơ chế khuyến khích học nghề và tạo việc làm, thu hút các doanh nghiệp phối hợp đặt hàng đào tạo gắn với giải quyết việc làm…
Giai đoạn 2020-2025, 5 KCN trên địa bàn thị xã tuyển dụng khoảng 69.000 lao động. Vì thế, công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án phát triển các KCN sẽ được thị xã hướng vào các nhu cầu của các KCN, các dịch vụ phục vụ hoạt động KCN.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()