Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:34 (GMT +7)
Đặt lộ trình xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
Thứ 6, 09/09/2022 | 14:32:13 [GMT +7] A A
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn trong khi mục tiêu đề ra là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.
Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030."
Hiện đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.
Lộ trình thực hiện cũng được chia ra theo 2 giai đoạn. Năm 2021-2025, thống kê nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu được các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu.
Tương tự, giai đoạn 2025-2030, nhu cầu là 1,3 triệu căn nhưng mục tiêu hoàn thành tăng lên thành 1,1 triệu căn hộ, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu.
Dẫn đầu về nhu cầu của phân khúc nhà ở này theo đăng ký là Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 345.000 căn, tiếp đến là Long An 310.000 căn, Bắc Giang trên 285.000 căn, Đồng Nai khoảng 152.000 căn, Hà Nội 136.000 căn...
Tuy nhiên, con số chỉ tiêu giao hoàn thành so với nhu cầu cũng tương đối chênh lệch nhau. Một số địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Long An chỉ tiêu hoàn thành là 100% so với nhu cầu đặt ra. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 130.000/345.000 căn theo nhu cầu, Bắc Ninh hơn 96.000/128.000 căn theo nhu cầu.
Thậm chí, có tỉnh đang thu hút phát triển khu công nghiệp mạnh mẽ như Đồng Nai chỉ ở mức hơn 6.000 so với 152.000 căn theo nhu cầu. Không riêng Đồng Nai, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng có tỷ lệ số lượng hoàn thành thấp hơn nhiều so với nhu cầu đặt ra. Trong khi đó, có những địa phương con số đăng ký thực hiện sát với nhu cầu đã thống kê.
Tại Đề án được Bộ Xây dựng trình nêu rõ phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phát triển nhà ở; trong đó có nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp tổ chức đầu tháng Tám vừa qua.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp. Điều này nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Cùng với đó, việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương; tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Theo đề án, mục tiêu đặt ra là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Với lộ trình cùng cụ thể do các địa phương đăng ký, để đạt mục tiêu 1,8 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Cho dù một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP nhưng vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan và còn hạn chế trong quá trình thực hiện.
Do vậy, theo Bộ Xây dựng, thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế…; trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp như quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng...
Về giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, nhận diện các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp, trước hết tập trung sửa đổi ngay các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính…
Cùng đó, các bộ, ngành cần tổng hợp, đề xuất và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; thiết kế chính sách theo hướng hậu kiểm (giá bán, đối tượng, điều kiện...).
Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó, làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng những dự án đang triển khai thực hiện, dự án đã có chủ trương đầu tư hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án.
Đặc biệt, các địa phương có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Đồng thời, quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…
Cùng với việc nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, các địa phương cần quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiếu đề ra của đề án, Bộ Xây dựng đề xuất.
Điển hình là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()