Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 22:49 (GMT +7)
Dấu ấn cải cách hành chính
Thứ 3, 14/01/2025 | 10:29:15 [GMT +7] A A
Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, có những cách làm hay, tạo ra những bước đột phá mới về CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Quảng Ninh luôn xác định CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một hình ảnh địa phương đi đầu về đổi mới, sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết và đồng hành của chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp.
Ngay từ đầu năm 2024, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cải cách, đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách tài chính công và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực và trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng, kiên trì, nỗ lực, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được kết quả tích cực, quan trọng toàn diện trên các lĩnh vực.
Đối với TTHC, tính đến thời điểm hiện tại tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh là: 1.717 TTHC, trong đó: Cấp tỉnh là 1.319 TTHC, cấp huyện là 275 TTHC, cấp xã là 123 TTHC. Các TTHC được các trung tâm hành chính công các cấp thực hiện nghiêm túc, niêm yết, công khai, đầy đủ, kịp thời bằng văn bản và mã QR tại trụ sở, Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia; vị trí niêm yết ở khu vực dễ quan sát và phân loại danh mục theo từng lĩnh vực.
Các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình giải quyết, phân cấp, ủy quyền tối đa cho cán bộ thẩm định, phê duyệt hồ sơ TTHC theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”; 100% TTHC được xây dựng quy trình đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết gắn với việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả con dấu thứ hai và chứng thư số thứ hai của các sở, ban, ngành, đơn vị. Quy trình được xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Các TTHC hằng năm được rà soát cắt giảm từ 30 đến trên 60% thời gian giải quyết so với quy định.
Năm 2024, kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh đã tiếp nhận 168.080 hồ sơ TTHC (tăng 22.138 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023); cấp huyện đã tiếp nhận 650.818 hồ sơ TTHC (tăng 113.194 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023); cấp xã đã tiếp nhận 206.749 hồ sơ TTHC. Công tác số hóa, ký số hồ sơ TTHC được thực hiện bảo đảm quy định, theo đó, năm 2024, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, cấp tỉnh đã thực hiện số hóa 57.877 hồ sơ đầu vào (đạt 99,1%), trả 57.900 kết quả bản điện tử (đạt 98%); cấp huyện đã thực hiện số hoá 134.139 hồ sơ đầu vào (đạt 99,3%), trả 130.141 kết quả bản điện tử (đạt 93,9%); cấp xã đã thực hiện số hoá 201.881 hồ sơ (đạt 98,3%), trả 199.790 kết quả bản điện tử (đạt 96,7%); các kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đã được lưu vào kho dữ liệu của người dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC qua hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt như duy trì hiệu quả việc thu phí, lệ phí tập trung; thanh toán qua Dịch vụ công quốc gia; thu phí, lệ phí bằng mã QR động... Vì vậy đến nay 100% phí, lệ phí giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công các cấp được thực hiện qua hình thức không dùng tiền mặt; tỷ lệ này tại các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đạt 97,1%. Với sự nỗ lực trong giải quyết TTHC mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về TTHC luôn ở mức cao từ 95-99%. Với sự hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong TTHC, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước.
Với phương châm xuyên suốt "cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên". Năm 2025, việc đầu tư hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, áp dụng công nghệ số vào giải quyết TTHC tại các Trung tâm hành chính công sẽ có các giải pháp sáng tạo hơn nữa để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ngày càng tinh gọn
Cùng với đột phá trong giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh cũng được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện hợp nhất một số cơ quan chính quyền trong những năm vừa qua. Năm 2024 Quảng Ninh tiếp tục quyết tâm tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc sắp xếp đơn vị hành chính, theo đó tỉnh Quảng Ninh thực hiện sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị hành chính cấp xã tại 5 huyện, sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh còn 171 xã, phường, thị trấn.
Thực hiện Nghị quyết số 1199 ngày 1/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, TP Móng Cái đã thực hiện sáp nhập phường Hoà Lạc với phường Trần Phú, tên đơn vị hành chính sau khi sáp nhập là phường Trần Phú với diện tích tự nhiên 1,7km². TP Hạ Long, địa phương nhập phường Yết Kiêu vào phường Trần Hưng Đạo thành đơn vị hành chính mới, lấy tên là phường Trần Hưng Đạo. Sau khi sắp xếp, TP Hạ Long có 32 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 20 phường và 12 xã). TP Cẩm Phả, sáp nhập xã Cẩm Hải và xã Cộng Hoà thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là xã Hải Hoà. Sau khi sắp xếp, TP Cẩm Phả có 15 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 13 phường và 2 xã). Huyện Ba Chẽ, sáp nhập xã Minh Cầm và Lương Mông thành đơn vị hành chính mới, lấy tên là xã Lương Minh. Sau khi sắp xếp, huyện Ba Chẽ có 7 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 6 xã và 1 thị trấn). TP Đông Triều (được thành lập ngày 1/11/2024, trực thuộc tỉnh Quảng Ninh), sáp nhập xã Việt Dân với xã Tân Việt thành đơn vị hành chính mới, lấy tên là xã Việt Dân. Sáp nhập phường Đông Triều vào phường Đức Chính, lấy tên là phường Đức Chính. Sau khi sáp nhập các đơn vị cấp xã, TP Đông Triều có 19 đơn vị hành chính (gồm 13 phường, 6 xã). Cấp ủy các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Đông Triều và huyện Ba Chẽ cũng đã công bố quyết định thành lập Đảng bộ các xã, phường mới trực thuộc Đảng bộ cấp trên, trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ các phường, xã hiện có. Như vậy, từ ngày 1/11/2024, Quảng Ninh chỉ có 171 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 91 xã, 73 phường và 7 thị trấn.
Đặc biệt vừa qua toàn tỉnh đã hoàn thành xong phương án hợp nhất và đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, thông qua; báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương trước tiến độ đề ra. Với phương án báo cáo Trung ương thực hiện sắp xếp, đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng cấp tỉnh.
Đồng thời hợp nhất đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Giao thông - Vận tải và Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch; hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh thành 1 ban trực thuộc UBND tỉnh. Ngoài những phương án đã có định hướng, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh cũng mạnh dạn đề xuất phương án tinh gọn tổ chức bộ máy ở một số cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh.
Cùng với cải cách TTHC, cải cách bộ máy hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số hiện đại hóa nền hành chính, các nội dung cải cách thể chế, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công cũng được Quảng Ninh thực hiện đồng bộ và thực chất. Việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC luôn nhận được sự giám sát chặt chẽ từ Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cơ quan chuyên môn nhằm đôn đốc, siết chặt, nâng cao chất lượng hiệu quả CCHC.
Ông Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Năm 2025, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với tỉnh thực hiện đồng bộ 6 nội dung CCHC, trong đó bám sát vào chủ đề năm của tỉnh “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”. Đồng thời bám sát tình hình thực tiễn để tập trung tham mưu phát huy trách nhiệm vai trò của người đứng đầu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC đề ra để tập trung tháo gỡ những khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục sắp xếp bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả, theo đúng tinh thần của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CNVC. Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho các đối tượng sau khi thực hiện sắp xếp. Triển khai hiệu quả thí điểm mô hình Trung tâm Hành chính công một cấp, theo đó xây dựng quy trình giải quyết TTHC đơn giản hóa các bước, dựa trên dữ liệu số thông qua môi trường mạng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Với nhiều giải pháp CCHC, ứng dụng thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức, cá nhân của các địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phần nào xoá bỏ những rào cản về TTHC, giảm đáng kể chi phí xã hội cho đơn vị và cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù trong năm Quảng Ninh nhiều khó khăn do sự tàn phá của bão số 3 (Yagi), tỉnh bị thiệt hại nặng nề, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết, sáng tạo với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” khắc phục hậu quả nhanh chóng, đặc biệt chú trọng CCHC, thu hút đầu tư, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 53.271 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao (53.212 tỷ đồng). Với đà tăng trưởng trên, đây là tiền đề để Quảng Ninh đạt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()