Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:37 (GMT +7)
Dấu ấn Nghị quyết 06 ở Bình Liêu
Thứ 2, 20/05/2024 | 14:40:06 [GMT +7] A A
Triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay huyện Bình Liêu có 19/22 chỉ tiêu thành phần đã hoàn thành, hoàn thành trước thời hạn. Cụ thể, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 11 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện an toàn; tỷ lệ đồng bào DTTS có BHYT; trên địa bàn huyện không còn nhà ở dột nát; công tác giảm nghèo, các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội... đạt kết quả cao; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quyền phụ nữ và trẻ em được đảm bảo; mức tăng trưởng kinh tế trên 13,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,35 triệu đồng/năm (tăng 62,9% so với năm 2020); an ninh quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo.
Đáng ghi nhận, trong giai đoạn 2021-2023 huyện Bình Liêu đã huy động được nguồn vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay để đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn với tổng vốn đầu tư công là 1.334.066 triệu đồng. Nhiều dự án công trình có tính động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, dự án công trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM và đảm bảo an sinh xã hội được đầu tư. Tiêu biểu như các dự án: Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường tràn vượt lũ trên địa bàn huyện; cải tạo, nâng cấp đường liên xã Lục Hồn - Đồng Tâm - Hoành Mô; cải tạo, nâng cấp đường Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối QL18C; xây dựng Trường THPT Bình Liêu; cải tạo, nâng cấp Trường THCS và THPT Hoành Mô, Trường Tiểu học Tình Húc (thị trấn Bình Liêu)...
Cùng với đó, huyện chú trọng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới. Trong giai đoạn 2021-2023, huyện đã tập trung bảo vệ môi trường sống, như: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng phong trào “Ngày chủ nhật xanh” gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trở thành phong trào thi đua tiêu biểu tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Trong 2 năm 2022-2023, huyện đã huy động nguồn xã hội hóa; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đăng ký nhà tiêu hợp vệ sinh, đến nay đã có 1.022/1.146 hộ xây dựng, đã hoàn thành hỗ trợ tổng số kinh phí hỗ trợ 4.770 triệu đồng; tỷ lệ hộ dân trên địa bàn toàn huyện có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 98,4% (trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn 6 xã là 97,04%, tỷ lệ hộ dân đô thị là 100%); vận động các hộ gia đình xây dựng, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở đạt tỷ lệ hộ dân có chuồng trại hợp vệ sinh trên 80%.
Huyện Bình Liêu cũng đã triển khai các cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư 5 dự án: Chăn nuôi gia súc (trâu, bò); xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Tùng Cầu (xã Vô Ngại); trồng cây dược liệu; trồng hoa chất lượng cao; đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu hồi, sở và chế biến gỗ rừng trồng. Có 3 doanh nghiệp đến huyện khảo sát về phát triển chăn nuôi lợn và nuôi cá nước lạnh, đến nay 1 doanh nghiệp đã có văn bản xin chấp thuận chủ trương, địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch dự án tổng hợp trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao, kết hợp trồng cây dược liệu theo mô hình tuần hoàn, bền vững.
Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch, Bình Liêu tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá - trải nghiệm, du lịch biên giới. Hỗ trợ, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch, các hộ gia đình phát triển du lịch homestay... Đến nay trên địa bàn huyện có 40 cơ sở lưu trú với 313 phòng (3 khách sạn, 24 nhà nghỉ, 13 homestay) đáp ứng nhu cầu của trên 1.200 du khách.
Trong thời gian tới, Bình Liêu tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ NSNN và xã hội hoá để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Phát huy 3 trụ cột “Thiên nhiên - Con người - Văn hoá” để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương, gắn với thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 53 của BCH Đảng bộ huyện, chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá con người giàu bản sắc Quảng Ninh” để phát triển, xây dựng huyện Bình Liêu giàu bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()