UAV tự sát Nga triển khai ở Ukraine được trang bị đầu đạn cải tiến trang bị nhiều đầu nổ, nhằm gây thiệt hại tối đa cho cơ sở hạ tầng năng lượng.
Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột (CAR) có trụ sở tại Anh hôm 10/2 công bố kết quả phân tích đầu đạn chưa nổ thu được từ máy bay không người lái (UAV) Nga rơi tại tỉnh Odessa, miền nam Ukraine, hồi cuối năm ngoái. Chiếc UAV dường như là mẫu Geran-1, được cho là phiên bản nội địa Nga của dòng Shahed-131 do Iran phát triển.
Kết quả phân tích cho thấy đầu đạn gắn trên UAV có chiều dài gần 60 cm, được cải tiến đáng kể so với đầu đạn thông thường. Đầu đạn này lắp đầu nổ văng mảnh với hàng trăm khối kim loại nhỏ ở hai bên, có thể phá hủy hoặc gây hư hại mục tiêu mềm, không có vỏ giáp trên phạm vi lớn.
Tuy nhiên, yếu tố nguy hiểm nhất của loại đầu đạn cải tiến này là 18 đầu nổ xuyên tự định hình (EFP) bao quanh phần giữa thân thiết bị, tạo thành vùng sát thương 360 độ quanh điểm rơi của UAV.
EFP là vũ khí ứng dụng nguyên lý nổ lõm, gồm ống kim loại nhồi đầy thuốc nổ với một đầu được hàn kín, đầu còn lại hướng về mục tiêu được lắp một đĩa kim loại lõm, thường làm từ thép hoặc đồng. Khi được kích hoạt, khối thuốc nổ sẽ biến đĩa kim loại thành hình một đầu đạn và bắn nó đi với tốc độ lên tới 5.760 km/h.
Đầu đạn EFP có thể phóng đi rất xa, xuyên phá lớp giáp thép dày bằng một nửa đĩa kim loại ban đầu, đủ sức tiêu diệt nhiều loại thiết giáp hiện đại, kể cả xe tăng chiến đấu chủ lực.
Sự kết hợp giữa đầu nổ mảnh và EFP giúp tăng tối đa khả năng xé rách, phá hủy những mục tiêu như nhà máy điện, trạm biến áp cỡ lớn, mạng lưới truyền tải và phân phối điện. Chúng cũng khiến nỗ lực sửa chữa gặp nhiều khó khăn hơn so với đầu đạn thông thường.
Đầu đạn nổ lõm chuyên đối phó với khí tài quân sự như xe tăng, pháo binh thường nằm hướng về phía trước và tập trung vào một điểm. Trong khi đó, đầu đạn trên UAV tự sát Nga lại nằm vuông góc với chiều dọc thân máy bay, nhằm tạo hiệu ứng nổ tỏa ra xung quanh.
"Thiết kế đầu đạn giải thích vì sao các đòn tập kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine suốt nhiều tháng qua đạt hiệu quả cao đến vậy", Damien Spleeters, một trong những người tham gia nghiên cứu đầu đạn tại CAR, nhận xét.
Nhà điều hành năng lượng Ukraine Ukrenergo hồi tháng 10/2022 nói rằng khoảng 40% nguồn cung điện của nước này đã bị vô hiệu hóa do các đòn tập kích của Nga.
"Thiệt hại xảy đến nhanh hơn nhiều so với tốc độ sửa chữa. Người dân Ukraine nhiều khả năng phải sống chung với tình trạng cắt điện đến hết tháng 3", Sergey Kovalenko, giám đốc điều hành tập đoàn cung cấp năng lượng Yasno, thừa nhận.
Giới chức Mỹ từng cáo buộc Iran cung cấp cho Nga hàng trăm UAV để tập kích mục tiêu quân sự và dân sự tạiUkraine. Iran thừa nhận cung cấp phi cơ cho Nga, nhưng khẳng định chúng được chuyển giao trước khi chiến sự Ukraine nổ ra.
Nghiên cứu đầu đạn của chiếc Geran-1, thành phần chưa bao giờ được công bố, giúp giới chuyên gia phương Tây hiểu rõ hơn về cách chế tạo UAV củaNgavà Iran.
"Từng có nhiều đồn đoán cho rằng đầu nổ trên UAV tự sát Nga được chế tạo thô sơ, rẻ tiền và đơn giản. Tuy nhiên, đầu đạn của chiếc Geran-1 cho thấy rõ là các nhà phát triển đã dành nhiều thời gian để thiết kế, bảo đảm nó có thể gây thiệt hại tối đa cho cơ sở hạ tầng trên diện rộng", ông nêu quan điểm.
Ý kiến ()