Ngày 7/12, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi giao mùa, sức đề kháng giảm, trẻ dễ bị ngạt tắc mũi, chảy nước mũi, viêm tai mũi họng. Đây là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo khả năng các em bị nhiễm trùng hô hấp.
Khi sức khỏe bình thường, trẻ thở bằng mũi chậm rãi, đều đặn, không có tiếng kêu và miệng ngậm. Trường hợp mũi bị tắc, trẻ thở khó khăn và có tiếng kêu. Trẻ phải thở bằng miệng nên họng khô, rát, chất nhầy của mũi chảy xuống họng khiến các em hay ho, trớ.
Khi bị ngạt, trẻ có thể nói không rõ các phụ âm M, N (M đọc thành B và N đọc thành Đ). Ngạt tắc mũi cũng hay gây ra tắc vòi tai, khiến trẻ nghễng ngãng và ù tai, lúc nghe được lúc không. Tiếng thở của trẻ trở nên nặng, ban đêm ngáy to, thỉnh thoảng có những cơn ngạt thở và ho rũ do co thắt thanh quản.
Ở trẻ sơ sinh, ngạt tắc mũi làm các em bú khó khăn, bú không được dài hơi, dễ bị sặc vì không thở được bằng miệng.
Bố mẹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ, phát hiện sớm triệu chứng, nhất là những ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng. Nên hướng dẫn trẻ cách xì mũi để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa hoặc vào xoang. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hạn chế tiếp xúc gió lạnh, ô nhiễm từ bụi, xăng, hóa chất. Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, vì dễ bị lây nhiễm khi cơ thể các em chưa đủ sức đề kháng.
Ý kiến ()