Tất cả chuyên mục

Toà soạn Báo Quảng Ninh nhận được câu hỏi của bạn đọc từ địa chỉ mail huongnguyen@yahoo.com.vn với nội dung: “Năm nay tôi 40 tuổi. Thời gian gần đây, tôi thường xuyên bị các cơn đau thắt ngực, nhất là những lúc làm việc quá sức. Vậy cho tôi hỏi, đó là triệu chứng của bệnh gì và có cách điều trị hay không”? Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tư vấn cho bạn.
![]() |
Kiểm tra điện tim bệnh nhân trên hệ thống máy vi tính tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt |
Đau thắt ngực là chứng đau ở vùng trước tim do thiếu máu cục bộ nhất thời ở cơ tim. Cơn đau thắt ngực thường xảy ra ở lứa tuổi 40-50, nam bị nhiều hơn nữ và thường xảy ra khi gắng sức đi bộ, lên cầu thang, lên dốc, lao động chân tay, hoặc khi xúc động mạnh do lo sợ, hồi hộp, căng thẳng, tắm nước lạnh, sau một bữa ăn quá nhiều… Cơn đau cũng có thể xuất hiện lúc nằm nghỉ, ban đêm hoặc dù không gắng sức nhưng thỉnh thoảng cơn đau vẫn xuất hiện.
Vị trí đau thường xuất phát sau xương ức, đột ngột. Bệnh nhân có cảm giác tức ngực như có gì bóp, đè chẹn sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Hoặc đau lan lên hai vai, lên hai bên quai hàm dưới... Trường hợp không điển hình, có thể đau vùng thượng vị mà có khi nhầm là cơn đau dạ dày cấp. Cũng có khi đau ở bả vai, cổ tay và cổ. Người bị đau thắt ngực có cảm giác đau dữ dội hoặc trái lại không đau mà chỉ có cảm giác tức ngực, khó thở, nghẹn thở, có vật gì chèn ép ở cổ, trước tim. Hướng lan của cơn đau có khi xuống thượng vị hoặc ra sau lưng. Người bệnh bồn chồn, hốt hoảng, lo sợ, có cảm giác sắp chết đến nơi không dám cử động vì sợ cơn đau dữ dội thêm. Thời gian đau kéo dài từ vài phút đến 10, 15 phút. Nếu cơn đau kéo dài hơn nửa giờ, người bị đau cần đề phòng có thể bị nhồi máu cơ tim. Cơn đau có thể giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi hoặc sau dùng thuốc giãn mạch vành. Sau cơn đau, bệnh nhân đi lại được bình thường nhưng nếu bệnh nhân gắng sức tiếp, cơn đau lại tái phát.
Khi bị cơn đau thắt ngực, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, ngừng mọi hoạt động gắng sức, nếu đang ở nhà thì cần nằm yên, hoặc theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển, cơn đau sẽ giảm dần và hết đau. Tuy nhiên, nếu đau nặng lên thì cần đến bệnh viện ngay.
Nếu hay bị các cơn đau thắt ngực, người dân cần đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị. Thông thường, người bệnh có thể ngậm nitroglycerin dưới lưỡi khi có cơn đau. Hiện nay có một số thuốc cũng tác dụng nhanh được đựng trong bình xịt, hoặc loại dán vào vùng trước tim. Cơ chế tác dụng của chúng là giãn động mạch vành, nhưng cũng hạ huyết áp ngoại biên. Còn việc điều trị lâu dài phải dùng phối hợp một số loại thuốc theo chỉ định chuyên khoa hoặc phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành hay nong và đặt stent động mạch vành.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh về chuyên ngành tim mạch với Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chúng tôi đã triển khai được nhiều kỹ thuật phục vụ cho chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Do đó bệnh nhân bị cơn đau thắt ngực nói riêng, bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung có thể đến Bệnh viện để được tư vấn, điều trị.
Với người đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối, nhưng cần tránh vận động gắng sức và căng thẳng về thần kinh. Người đau thắt ngực phải duy trì lối sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc ngay sau bữa ăn. Tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn và chậm nhưng không chơi thể thao nặng. Đặc biệt không được hút thuốc lá vì thuốc lá là một nguyên nhân chính gây co thắt động mạch vành, nứt vỡ mảng xơ vữa làm xuất hiện cơn đau. Người bệnh cũng cần hạn chế cà phê và nước chè đặc vì có thể gây tăng nhịp tim, gây mất ngủ, không uống rượu. Không nên ăn những thức ăn có nhiều cholesterol như mỡ động vật, bơ, lòng đỏ trứng, óc, gan, thận; nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
Ý kiến (0)