Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:45 (GMT +7)
Đông Triều: Đầu tư cơ sở hạ tầng: Tác động kép trong phát triển sản xuất nông nghiệp
Thứ 4, 23/03/2022 | 14:24:25 [GMT +7] A A
Đông Triều xác định việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp được xem là có tác động kép để chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tập trung, quy mô lớn, cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Những năm qua, Đông Triều đã quan tâm, chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp. Theo đó, thị xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông nghiệp. Mỗi năm, thị xã dành nhiều tỷ đồng đầu tư hạ tầng nông nghiệp nông thôn.
Một số hạ tầng cơ sở điển hình đã và đang được đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp của thị xã. Điển hình như: Vùng sản xuất tập trung hoa, cây cảnh tại thôn Quảng Mản - Đồng Đò (xã Bình Khê) đã được đầu tư các hạng mục gồm: Đường giao thông nội đồng mương tưới tiêu thủy lợi nội đồng tuyến 1; đường giao thông nội đồng, mương tưới tiêu thủy lợi nội đồng tuyến 2; mương tưới tiêu thủy lợi nội đồng 2... Các công trình này có tổng mức đầu tư 1.929 tỷ đồng.
Thực tế, Bình Khê là vùng trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng của cả tỉnh. Hàng năm, cả xã có hơn 100ha trồng hoa và cây cảnh các loại được gần 200 hộ gia đình đầu tư, sản xuất. Giá trị thu nhập từ lĩnh vực này đạt trên 70 tỷ đồng, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của địa phương. Vì thế, công trình đầu tư hạ tầng vùng sản xuất tập trung hoa, cây cảnh tại thôn Quảng Mản - Đồng Đò được xem là động lực để Bình Khê phát triển.
Anh Vũ Xuân Đương, thôn Quảng Mản, chia sẻ: “Nhờ có hạ tầng sản xuất đồng bộ như bây giờ, nông dân chúng tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hạ tầng sản xuất đồng bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương hàng hóa, giúp ổn định giá cả thị trường, tăng thu nhập cho người sản xuất”.
Một số dự án đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp khác trên địa bàn cũng đã đem lại hiệu quả cao như: Công trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao (thơm RVT…) tại xã Bình Dương với tổng mức đầu tư 4.329 tỷ đồng; công trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giống lúa chất lượng cao (ĐT37…) tại xã Nguyễn Huệ có tổng mức đầu tư 1.832 tỷ đồng; công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh tại xã Hồng Thái Tây với tổng mức đầu tư hơn 251 tỷ đồng… Đa số, các công trình dự án này đều được đầu tư đồng bộ từ đường giao thông nông thôn, nội đồng, các tuyến mương thoát nước, hệ thống điện… Theo thống kê, đến nay hệ thống hạ tầng thủy lợi có 29 hồ đập lớn nhỏ, 74 trạm tưới tiêu nên việc phục vụ tưới tiêu cơ bản đảm bảo kịp thời; tổng số kênh mương thủy lợi nội đồng là trên 348km.
Có thể khẳng định, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, với tỷ lệ cơ giới hóa cao: Cơ giới hóa trong làm đất đạt trên 95%, khâu thu hoạch đạt trên 90%, tưới tiêu chủ động đạt 100% diện tích.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chính là nền tảng để toàn thị xã xây dựng, phát triển được vùng sản xuất tập trung, chất lượng, hiệu quả cao, quy mô 11.565ha gieo trồng/năm. Xây dựng được 2 khu chăn nuôi tập trung, diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì ổn định trên 1.000ha…
Những kết quả trên cho thấy, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp của thị xã theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp. Tính riêng năm 2021 vừa qua, thị xã đã thu hút được nhiều nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn tín dụng, doanh nghiệp đầu tư trên 40 tỷ đồng.
Trung Anh
Liên kết website
Ý kiến ()