Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:51 (GMT +7)
Đầu tư phát triển hạ tầng vùng khó khăn
Thứ 2, 16/11/2009 | 06:05:46 [GMT +7] A A
Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các xã thuộc vùng khó khăn là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng, là điều kiện cần thiết để thực hiện thành công chương trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện bảo đảm cho sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, các hoạt động kinh tế khác ở vùng khó khăn tăng trưởng nhanh, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong kinh tế thị trường.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng cho các xã thuộc vùng khó khăn, đồng thời quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn những năm qua tỉnh ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh xác định: Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng và phải được thực hiện theo quy hoạch. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng thúc đẩy đầu tư, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH phục vụ các yêu cầu dân sinh, tạo điều kiện phát triển ở những vùng khó khăn, nhất là miền núi biên giới, hải đảo.
Trên tinh thần đó, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách và kế hoạch cụ thể đối với đầu tư kết cấu hạ tầng các xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã nghe và cho ý kiến về đề án hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng các xã thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu của đề án là xây dựng 740 phòng học kiên cố đảm bảo 100% xã, thôn có đủ phòng học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo; 70% tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 50% đường giao thông liên thôn được kiên cố hoá, 100% thôn, bản có nhà văn hoá. Tổng kinh phí đầu tư để thực hiện dự án khoảng 750-975 tỷ đồng.
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của đề án, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và hằng năm có kế hoạch huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án đã được phê duyệt trước đây. Đồng thời lựa chọn một số nội dung trọng tâm, ưu tiên để xây dựng phương án đầu tư cụ thể, phù hợp với nhu cầu cũng như tình hình phát triển KT-XH của từng địa phương; bổ sung, lồng ghép nguồn vốn có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho các địa phương triển khai thực hiện đề án. Với tinh thần ấy, hy vọng đề án sẽ được triển khai một cách tích cực và hiệu quả, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH các vùng khó khăn.
Liên kết website
Ý kiến ()