Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 12:19 (GMT +7)
Dấu vết cư dân tiền sử ở Yên Đức
Chủ nhật, 09/01/2022 | 14:10:56 [GMT +7] A A
Xa xưa, khu vực xã Yên Đức (TX Đông Triều) là một vùng núi non với đồng bãi mênh mông ven sông. Dấu vết cư dân thời tiền, sơ sử ở khu vực này được phát hiện qua những ngôi mộ gạch phong cách Hán, có niên đại khoảng thế kỷ I đến III sau Công nguyên. Đặc biệt gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết kiến trúc của cư dân tiền sử thuộc văn hoá Đông Sơn có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm...
Việc khai quật tại Yên Đức có mục tiêu ban đầu là để tìm “cọc Bạch Đằng” của trận chiến năm 1288 xưa kia. Theo đó, các nhà khảo cổ đã khai quật tại Đượng Ngoại và Nựng Vỡ là những khu vực bãi triều, ao đầm nằm ở khu vực giữa sông Đá Bạc và núi Thiên Liêu vào năm 2019 và năm 2020. Cụ thể, việc khai quật tại Đượng Ngoại đã làm xuất lộ 22 di tích gỗ, trong đó có các cột, cọc gỗ với đường kính từ 32-42cm. Đáng chú ý là các cột phân bố thành hàng, cọc được cắm xen cài vào giữa các cột.
Kết quả khai quật tại Nựng Vỡ phát hiện được 6 cột gỗ và 3 hố cột, các cột có đường kính trung bình từ 30-40cm và được phân bố theo quy luật. Các cột gỗ này khá giống với các cột gỗ phát hiện tại di tích Đầm Lải, nằm cách không xa các khu vực trên, từng được khai quật năm 2017. Người dân nơi đây cũng cho hay, trước đây khi các hộ cải tạo khu đầm của gia đình cũng từng phát hiện được một số cọc gỗ, mũi giáo, di cốt người…
TS Nguyễn Văn Anh (Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), người chủ trì việc khai quật tại Yên Đức, cho biết: Chúng tôi rất hy vọng là tìm được cọc Bạch Đằng nên đã làm niên đại rất kỹ. Phòng thí nghiệm đầu tiên cho chúng tôi kết quả niên đại cọc là 600-700 năm cách ngày nay, tức là tương đương với trận Bạch Đằng 1288. Vì kết quả đẹp như mơ vậy nên tôi đã gửi đi các phòng thí nghiệm tiếp theo để đối sánh, trong đó có những phòng thí nghiệm uy tín thế giới ở Anh, Đại học Quốc gia Úc.
Và kết quả phân tích các bon phóng xạ C14 ở 3 phòng thí nghiệm sau này đều cho một con số tương tự nhau, niên đại cọc tại Yên Đức thuộc về văn hoá Đông Sơn, thế kỷ III-II trước Công nguyên. Khung niên đại này thực tế cũng phù hợp với diễn biến địa tầng và các loại hình di vật phát hiện tại đây. Vì vậy, chúng tôi suy đoán các cọc, cột gỗ xuất lộ tại Yên Đức là dấu vết của một quần thể kiến trúc của cư dân sống ở khu vực này vào giai đoạn văn hoá Đông Sơn.
Hơn thế, khu vực Yên Đức khi kết nối với các phát hiện về văn hoá Đông Sơn ở lưu vực sông Bạch Đằng, phía bên hữu ngạn là khu vực Thuỷ Nguyên, xuôi xuống là khu vực Uông Bí, cho thấy đó là một dải kéo dài các dấu vết của văn hoá Đông Sơn hết sức đậm đặc. Cụ thể, khu vực đối diện với xã qua bên kia sông cũng từng phát hiện rất nhiều mộ táng của văn hoá Đông Sơn. Mở rộng ra khu vực lân cận, như khu vực Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng) có mộ thuyền Việt Khê rất nổi tiếng; phía dưới là Phương Nam, Phương Đông của Uông Bí đều từng tìm thấy dấu vết của văn hoá Đông Sơn…
Qua đó, cho thấy một trung tâm văn hoá Đông Sơn rất lớn ở lưu vực sông Bạch Đằng mà trước đây chưa từng được đề cập đến. Theo TS Nguyễn Văn Anh thì trước đây nói đến văn hoá Đông Sơn, người ta thường hay nói đến 2 trung tâm là Thanh Hoá và làng Vạc (Nghệ An). Với phát hiện tại Yên Đức, chúng ta có một nhận thức mới là văn hoá Đông Sơn không chỉ dừng ở 2 khu vực đó mà còn phát triển rực rỡ hơn nữa.
Nói đến văn hoá Đông Sơn, trước đây chúng ta nói đến nông nghiệp với lưỡi cày đồng là hiện vật tiêu biểu; biết đến nghề luyện kim là đúc đồng và sản phẩm đỉnh cao được tạo ra là trống đồng. Chúng ta chưa tìm thấy kiến trúc thì giờ với phát hiện tại Yên Đức cho thấy các kiến trúc của văn hoá Đông Sơn rất lớn, và nhà sàn được vẽ trên trống đồng Đông Sơn không phải tưởng tượng mà hoàn toàn là công trình có thật. Trước kia chúng ta mới tìm thấy thế giới người chết qua các mộ táng thì giờ tìm thấy thế giới người sống qua các kiến trúc, đủ đầy cho phác hoạ cuộc sống con người thuộc văn hoá Đông Sơn...
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()