Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 16:04 (GMT +7)
Đầu xuân về với lễ hội Tiên Công
Chủ nhật, 05/02/2012 | 05:34:52 [GMT +7] A A
Tết đến Xuân về. Đất nước nơi nơi tưng bừng trong ánh thiều quang xuân mới. Ở vùng làng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên), cư dân nơi đây không chỉ đón Tết mừng Xuân, mà còn hân hoan trong không gian văn hoá lễ hội đậm đà bản sắc truyền thống; trong đó đặc biệt nhất là Lễ hội Tiên Công, một lễ hội “Rước người” độc đáo, ít thấy ở các miền quê khác...
Lễ hội Tiên Công xuân Nhâm Thìn năm 2012 khai hội từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Giêng. Truyền thuyết ở quê tôi kể rằng: Ngày xưa, mỗi độ xuân về, khôn nguôi nhớ chốn kinh thành, nhớ những hội hè, đình đám... nên các cụ Tiên Công, những người đã rời Thăng Long phồn hoa về đây “trúc hải thành điền”, dựng nên làng đảo Hà Nam này, đã vời các bô lão tuổi tác cao nhất trong làng xã trộm đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rước lên Miếu đường và bày soạn vật phẩm tế lễ. Không khí diễn ra như thể ở triều đình, cũng hai bên “bát biểu”, lọng che, cũng phường nhạc bát âm, trống khẩu cầm nhịp, cũng hát xướng ca ngâm... Dần dà, đã hình thành một Lễ hội “Rước người”...
Các cụ Thượng được tôn vinh trong Lễ hội Tiên Công. |
Các gia đình có cha mẹ, ông bà đạt tuổi 80, 90 hoặc 100... con cháu rất háo hức, lo lắng chuẩn bị từ trong tháng chạp. Nhà cửa các gia đình được căng phông dựng rạp, trang hoàng, bày biện nghi lễ, đèn sáng hoa tươi chuẩn bị đón tiếp khách khứa gần xa. Buổi sáng trở đi đường thôn đã tấp nập các đoàn đội lễ đầy ắp phẩm vật, hoa quả đến dâng mừng, chúc tụng. Cụ thọ 80 tuổi từ ngày đó dù trong họ thuộc hàng con cháu chăng nữa cũng đều được phong gọi là “Cụ Thượng” một cách cung kính. Cụ Thượng mặc áo gấm đỏ hoặc xanh thêu chữ Thọ, đạo mạo ngồi trên ghế bành trải nệm hoa, cạnh hương án. Trên hương án, giữa bày một mâm ngũ quả lớn kết thành hình con Long Mã rất đẹp và uy nghi. Long Mã là hình tượng con vật đầu Rồng mình Ngựa biểu hiện cho sức mạnh, ý chí của người vùng biển khát vọng chế ngự thiên nhiên, vững vàng trong nắng mưa, gió bão. Không thể thiếu cành đào gốc to, đầy nụ hoa và chậu cây Thiên tuế biểu hiện cho sự phát triển đông đúc con cháu, trường tồn, trường thọ. Câu đối đỏ, trướng thơ mừng treo la liệt hai bên cùng đèn nến sáng lung linh. Con cháu, họ hàng, xóm láng, bằng hữu... đến mừng, từng hàng đứng trước Cụ Thượng. Người trịnh trọng dâng lễ, kẻ kính cẩn tung hô, chắp tay quỳ lạy. Cho nên dân gian vùng này có câu “một lễ sống bằng một đống lễ chết” là thế. Ai nấy tay bắt mặt mừng, thật là cảm động. Sau đó mọi người cùng dự tiệc Thọ với Cụ Thượng và gia đình. Chí ít cũng phải nhận một chén rượu lấy lộc, lấy may đầu xuân!
Quang cảnh lễ rước các cụ Thượng lên miếu Tiên Công. |
Lễ mừng thọ tại gia sôi động tới gần nửa đêm mới vãn. Người đến mừng thay nhau đọc trướng, ngâm thơ, hát dân ca... ca ngợi quê hương đất nước, công đức Tiên Công, ca ngợi tinh thần lao động, đạo đức của Cụ Thượng cùng gia cảnh đề huề, tốt đẹp. Nếu các vùng các quốc gia trên thế giới từng coi trọng “sức khoẻ như con tàu chở đầy vàng...” thì ở vùng đất Hà Nam, người xưa đã coi tuổi thọ của con người là hàng đầu. Bàn thờ Thọ lấp lánh những áng văn thơ đối ứng, như: “Tứ thời Thiên định xuân tại thủ/ Ngũ phúc nhân cầu Thọ vi tiên” - (Nếu Trời đã định ra bốn mùa, mùa xuân đứng đầu, thì con người trong năm điều phúc lấy tuổi thọ làm điều trước hết). Trước đây, đến chúc Thọ, con cháu đốt pháo liên hồi mừng từ đầu ngõ. Khói lan mờ mịt, xác giấy đỏ ngập lối đi. Bây giờ, pháo nổ giòn giã trong băng phát ra loa thùng. Đất trời, cảnh vật, lòng người hoà quyện, tràn ngập niềm vui.
Ngoài trung tâm Lễ hội, khu sân Miếu Tiên Công năm nay được trải thảm hơn 1.000m2 bê tông, tạo nên một “quảng trường” rộng lớn đón hàng nghìn người của hàng chục đám rước và khách thập phương về tham gia. Ngày mùng 5 tháng Giêng, hai đoàn tế nam và tế nữ xã Cẩm La bắt đầu tế khai hội.
Đoàn tế trong Lễ hội Tiên Công. |
Ngày mùng 6, các đồng chí lãnh đạo Thị uỷ, HĐND, UBND, MTTQ và các cơ quan, đoàn thể của TX Quảng Yên về dâng hương tưởng niệm các vị Tiên Công và tham gia lễ hội. Đêm mùng 6, nhà văn hoá huyện, đội văn nghệ xã tổ chức đêm thơ, chiếu chèo, hát múa rộn ràng. Năm nay đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh về biểu diễn các tiết mục chèo rất phong phú. Người các nơi đổ về đông chật vừa vào bái đường dâng lễ vừa xem chiếu chèo. Ngày trước, các ả đào, cô đồng ngồi hát chầu văn, hát chèo đò; đây đó trai gái các làng hát đúm, cầm cổ tay nhau đối đáp suốt đêm. Trai tài gái sắc được dịp gặp gỡ nhau, nhiều cặp đã nên duyên. Những dịp lễ hội gần đây, nhiều ông bà sáu, bảy mươi tuổi vẫn đến hát đúm nhớ lại thời xuân sắc…
Sáng mồng 7 vào hội chính. Các đoàn rước từ các làng ổn định nghi thức đội hình từ tinh mơ bắt đầu chuyển động theo nhịp trống khẩu và tiếng trống múa kỳ lân dồn dập, thôi thúc. Đội nữ tân rước cờ, rước bát biểu, đồ tế khí cổ… bước hai hàng dọc nghiêm trang theo nhịp trống khẩu. Tiếp theo là các mâm lễ vật đủ sắc màu. Lễ gồm các mâm hoa quả, trầu cau, bánh dày, bánh dẻo, rượu hồng, thủ lợn… ánh lên đầy vẻ phồn thực. Phường nhạc bát âm tấu réo rắt, ngân nga. Khói trầm toả thơm nghi ngút, vấn vít quanh mô hình chữ Thọ được tô vẽ vàng son. Bộ võng đào có Cụ Thượng ngả lưng thanh thản. Võng do 2 trai tráng khăn xếp áo the khênh rước bằng đòn sơn tạc đầu rồng bước chậm từng nhịp một. Người cầm lọng xanh che võng vừa đi vừa xoay lọng rất khéo. Có nhiều Cụ Thượng khoẻ mạnh đi bộ giữa bầy con cháu ôm hoa tháp tùng. Có năm Lễ hội có những cặp song Thọ cụ ông nắm tay cụ bà ung dung như thuở còn xuân, khiến cả hội nhìn theo tấm tắc.
Con cháu tế lạy cụ Thượng. |
Mùa xuân Nhâm Thìn 2012, trong số cả vùng làng đảo Hà Nam có hơn 300 cụ thọ từ 80 đến 100 tuổi thì riêng vùng “Tứ xã” Phong Cốc, Cẩm La, Phong Hải, Yên Đông có gần 200 cụ, thọ tuổi 80 có 120 cụ (80 cụ bà), tuổi 90 có 19 cụ (14 cụ bà) và tuổi 100 có 2 cụ bà... Ở thôn Cẩm Luỹ, xã Cẩm La có 3 cặp vợ chồng “Cụ Thượng” đồng niên song thọ. Khu 5, phường Phong Hải có 3 “Cụ Thượng” bà là chị em dâu. Họ Lê, họ Vũ, họ Bùi ở Phong Cốc tổ chức rước tập thể các cụ thượng tập trung trên các sân nhà thờ họ về Miếu Tiên Công với đám rước dài hơn một cây số. Cụ thượng Lê Đình San, người họ Lê, hiện ngụ tại TP Hạ Long, con cháu cũng tổ chức về tham gia rước tập thể cùng các cụ thượng khác của dòng họ. Đã 9 mùa Lễ hội Tiên Công, thôn Yên Đông, phường Yên Hải tổ chức rước tập thể các Cụ Thượng. Lễ hội năm nay Yên Hải có 14 cụ thượng rước tập thể, (trong đó có 2 cụ tuổi 90). Mỗi đoàn rước tập thể được UBND thị xã hỗ trợ 10 triệu đồng để tổ chức nghinh rước các Cụ Thượng thọ. Họ Dương Đình ở Cẩm La năm nay có 8 cụ thượng thọ tuổi 80 và 4 cụ thọ tuổi 90, trong đó có 2 cụ song thọ 80. Thôn Cống Mương, phường Phong Hải có 2 cụ bà tuổi 90. Con cháu rước võng các cụ Thọ cùng những mâm lễ vật, những bức đại tự đỏ chói lấp lánh chữ vàng đi giữa tiếng reo cười tưng bừng, náo nhiệt.
Sau lễ rước, các cụ kế bước vào Miếu đường bái lạy Tiên Công. Các ông văn trịnh trọng đọc bài văn tế tạ ơn công đức 17 vị Tiên Công, cầu cho “nhân khang vật thịnh”, ruộng đồng “phong đăng hoả cốc”, “Quốc thái dân an”. Phần lễ hết nửa buổi sáng. Phần hội tiếp theo. Lệ cổ có trò đánh vật mở đầu: Bầu hai Cụ Thượng còn khoẻ mạnh đánh vật tượng trưng, rồi mỗi cụ vác một hòn đất đã xẻ sẵn đắp vào nền Miếu (thể hiện truyền thống đắp đê lấn biển). Từ ngày đó các làng xã mới được động thổ, đào móng làm nhà, ra quân làm thuỷ lợi... Nay trò này đã được khôi phục trong Lễ hội cùng nhiều trò chơi như đu xuân, đánh vật, chọi gà, cờ người, hát đúm, kéo co, bóng chuyền... Từng tốp con trai, con gái bịn rịn, chỉ muốn hội kéo dài.
Trước đó, ngày mùng 5 tháng Giêng, tại Lễ hội Miếu Nhị vị Tiên Công thôn Trung Bản, xã Liên Hoà cũng diễn ra lễ rước tập thể của 24 cụ Thượng, trong đó có 5 cụ tuổi 90.
Truy ơn công đức người xưa khai cương lập ấp, Lễ hội Tiên Công chính là Lễ hội thể hiện rõ nhất truyền thống “kính lão đắc thọ” của người Việt. Rước Người tuổi hạc tạ ơn Trời Đất, Tổ tiên, nhưng cũng chính là như hãnh diện trước họ hàng, làng tổng rằng dòng họ tôi, gia đình tôi đã được phúc ấm!...
Lễ hội Tiên Công - Lễ hội mừng thọ - là nét đẹp văn hoá của vùng Hà Nam từ bao đời nay. Và càng ngày nó càng được bồi đắp để trở thành một lễ hội xuân được nhiều người mong đợi...
Dương Phượng Toại
Liên kết website
Ý kiến ()