Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 21:46 (GMT +7)
Dạy gì cho trẻ ngày Tết?
Chủ nhật, 30/01/2022 | 23:19:47 [GMT +7] A A
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, học sinh được nghỉ 9 ngày. Thời gian này, gia đình nên cho trẻ tự do làm điều mình thích hay cần dạy trẻ những điều gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết ông nhận thấy ngày càng nhiều người Việt, nhất là ở thành phố, cưng chiều con và thương con theo cách không cho con làm gì, không đụng tay đụng chân vào bất cứ công việc gì.
Ngày thường bận rộn trẻ chỉ có học và chơi, ngày Tết lại càng như vậy. Không có việc để làm, trẻ thường chỉ chí thú vào chơi game, dùng điện thoại, tivi, mạng xã hội... để giải trí. Điều này không tốt cho sức khỏe, tâm lý, tinh thần của trẻ.
Cùng trẻ chuẩn bị Tết, dạy nghi lễ cho trẻ
Vì thế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng dịp Tết Nguyên đán là thời gian thích hợp để kéo trẻ tham gia vào các công việc gia đình; chuẩn bị, bồi đắp cho trẻ các kỹ năng sống, vốn sống cần thiết với sự đồng hành, hướng dẫn của người lớn. Dịp Tết Nhâm Dần 2022 lại càng là một cơ hội tốt để thực hiện điều này khi việc ra ngoài giao lưu, ăn uống hàng quán, gặp gỡ bạn bè bị hạn chế hơn so với những năm trước.
Vậy cần dạy trẻ những điều gì? PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ hai việc chính cần dạy cho trẻ dịp này gồm dạy những kỹ năng làm việc nhà và những nghi lễ Tết của người Việt, theo nguyên tắc dạy vừa tầm và những việc trẻ có thể làm được bằng phương pháp "thân giáo".
Theo đó, "thân giáo" là phương pháp ông bà, bố mẹ không chỉ làm gương và con cái chỉ nhìn mà ông bà, bố mẹ cùng làm với con, hướng dẫn con, coi con là một nhân tố để tạo ra kết quả của sản phẩm.
"Chúng ta có thể dạy trẻ đơm xôi, luộc gà, cắm hoa, tảo mộ ông bà tổ tiên, cách dọn cỏ xung quanh mộ, cách lau dọn nhà cửa đón Tết... Cha mẹ cũng có thể cùng làm và chỉ cho trẻ cách bày mâm ngũ quả, trang trí nhà cửa, cách làm các cành hoa giấy cắm Tết, cắm hoa chưng Tết...
Chúng ta đừng nghĩ trẻ không làm được mà cứ dạy theo phương pháp "thân giáo" thì trẻ không những làm được mà còn làm tốt, không khí gia đình lại vui vẻ, đầm ấm và cả gia đình sẽ gắn bó hơn nhờ những lễ nghĩa đã được truyền đi một cách tự nhiên như vậy" - PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ nhắn gửi.
Ngoài ra, Tết Việt cũng là dịp để sum vầy họ hàng, làng xóm thông qua những lời chào, lời chúc Tết. Vì thế, trẻ cũng cần được dạy cách chào hỏi, cách chúc Tết như thế nào, cách nhận lì xì ra sao, cách chào người lớn tuổi...
Mỗi người Việt Nam đều cần được dạy dỗ về những nghi lễ truyền thống trong ngày Tết Việt; gia đình hãy cùng với nhà trường, cộng đồng, xã hội dạy trẻ những nghi lễ truyền thống này ở góc độ gia đình để sau này trẻ sẽ hoàn thành tốt vai trò là chủ nhân tốt của gia đình Việt trong tương lai.
Ngoài những việc nói trên, nhiều gia đình Việt hiện nay cũng nhân dịp Tết để dạy trẻ thêm về những kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức cuộc sống trong gia đình dành cho trẻ con thông qua việc cùng nhau thực hiện các kỹ năng sống đã được sách vở hướng dẫn.
Những bài học về cội nguồn
Là phụ huynh của hai con, cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), cho biết Tết là dịp gia đình dạy cho con những phong tục ngày Tết, dạy cho trẻ những bài học về cội nguồn. Bản thân cô Trang đã áp dụng điều này với học sinh của trường mình cũng như với các con của cô.
Ví dụ, nhà trường dạy gói bánh chưng, giới thiệu những trò chơi dân gian ngày Tết, viết câu đối, làm bánh in, kể những câu chuyện liên quan ngày Tết...; dạy các con cách ở nhà viết thiệp chúc Tết, cách trang trí mâm cỗ, kể những câu chuyện gia đình...
"Trước đây, những năm chưa bị dịch bệnh, từ tháng 1 nhà trường đã bắt đầu tổ chức cho học sinh tham gia vào các phong tục ngày Tết. Tuy vậy mỗi gia đình một khác, nên những phong tục này được làm đậm nét ở gia đình càng cho trẻ có hứng thú với ngày Tết. Cái không khí gia đình cùng nhau chuẩn bị mâm quả, bánh chưng, trang trí Tết nó đầm ấm, đáng nhớ, là cội nguồn nuôi dưỡng những tâm hồn bao dung, nhân ái của trẻ" - cô Trang cho biết.
Theo cô Trang, thời điểm Tết, cha mẹ không nên bắt trẻ phải học bài trên lớp. Vì thực tế, giai đoạn nghỉ Tết là giai đoạn đã kết thúc học kỳ 1 và mới bắt đầu học kỳ 2 nên bài vở trên lớp hầu như không có nên trẻ cũng không cần thiết phải học bài trên lớp.
Mặt khác, bên cạnh kiến thức, mỗi đứa trẻ cần bồi dưỡng các kỹ năng sống trong đó có kỹ năng làm việc nhà, kỹ năng làm việc nhóm (với người thân), kỹ năng giao tiếp (chào hỏi, chúc Tết) nên dịp Tết gia đình cần bồi dưỡng thêm cho trẻ những kỹ năng này.
"Chúng ta có thể vừa dạy trẻ làm việc nhà vừa dạy những truyền thống cho trẻ qua những câu chuyện thú vị ngày Tết của gia đình. Và cái mà chúng ta nhận được sau này lớn lắm, đó là tình yêu với quê hương, đất nước, tình yêu gia đình bao la trong mỗi người Việt" - cô Trang nói.
Không ép trẻ học bài Các chuyên gia đều cho rằng vào dịp Tết cha mẹ không nên ép trẻ học bài và làm bài (trừ trường hợp trẻ thích điều đó). Bởi vì ép trẻ học bài vào dịp này gây những bức bối trái chiều, gây căng thẳng lên tâm lý cho trẻ, không đúng mục đích của giáo dục. |
Dạy công việc tùy vào lứa tuổi PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết tùy vào lứa tuổi mà cha mẹ có thể dạy con tham gia các công việc ngày Tết của gia đình. Có thể nhờ trẻ nhỏ quét dọn, sắp xếp đồ đạc, vẽ tranh trang trí Tết, vẽ hình các bông hoa, làm hoa giấy, lột củ hành... Với trẻ lớn hơn, có thể giao cho những việc khó hơn như bày biện mâm cỗ sao cho đẹp, trang trí phòng khách, lau dọn ban thờ và thực hiện trang trí các góc sinh hoạt của gia đình để đón Tết... Cha mẹ nên là người hướng dẫn, khơi gợi cho các con trong vấn đề này, vừa tạo không gian ấm cúng tình gia đình mà trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()