Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:12 (GMT +7)
Đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thứ 2, 29/01/2024 | 14:35:42 [GMT +7] A A
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Đây cũng là một trong những lực cản đối với kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tháng 11/2023, mô hình “Phát huy vai trò người có uy tín, già làng, thầy cúng, thầy thuốc trong vùng DTTS vận động nhân dân tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, chống tảo hôn” được ra mắt tại 5 thôn trên địa bàn xã Quảng Phong, huyện Hải Hà. Với mô hình này, các già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ đóng vai trò là kênh tuyên truyền quan trọng giúp người dân nâng cao hiểu biết, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, nhất là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài mô hình trên, hiện trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang duy trì gần 80 câu lạc bộ “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS. Mỗi câu lạc bộ có khoảng 40 thành viên nòng cốt tham gia, sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng và tổ chức các buổi truyền thông đột xuất, chuyên đề với những nội dung liên quan đến hôn nhân gia đình; hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và giải pháp giảm thiểu; quy định của pháp luật về hôn nhân…
Cùng với việc xây dựng các mô hình cụ thể, hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân ở vùng DTTS, miền núi của tỉnh cũng được đẩy mạnh với nhiều cách thức, như: Tư vấn, tọa đàm, sân khấu hóa, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, phát trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn, bản.
Tại huyện Bình Liêu, năm 2023, Phòng Dân tộc đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 2 hội nghị chuyên đề, 2 cuộc hành động lồng ghép tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với trên 400 người tham gia; phối hợp với Phòng Tư pháp huyện cấp phát 10.000 tờ gấp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết; tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 620 học sinh và giáo viên. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích… đặt ở trung tâm xã, thôn, bản.
Bà Hoàng Thị Vinh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, cho biết: Xác định nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người dân là yếu tố quan trọng, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ thôn, bản, tiểu khu về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức các hội thi ở các nhà trường về tác hại của tảo hôn, tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình. Đồng thời, phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, bí thư chi bộ... trong tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng dân cư ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Từ năm 2021 đến nay, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức gần 2.500 cuộc tuyên truyền, tư vấn, tọa đàm về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho trên 123.500 lượt người dân. Đồng thời biên soạn, sản xuất trên 8.000 cuốn sổ tay sách hỏi đáp, ấn phẩm, cẩm nang về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tài liệu tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS cùng nhiều băng đĩa CD, VCD, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu,… bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc.
Ngoài việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS, các ban, ngành của tỉnh cũng tăng cường các giải pháp về hỗ trợ đào tạo nghề, phân luồng giáo dục, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thanh - thiếu niên. Cùng với đó là quan tâm đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS theo chiều sâu và rộng để thanh, thiếu niên có nhiều cơ hội học tập và làm việc, tránh tư tưởng bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch, dẹp bỏ những hủ tục không còn phù hợp.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()