Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:26 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào DTTS
Thứ 5, 11/01/2024 | 09:38:03 [GMT +7] A A
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Quảng Ninh luôn chú trọng khơi gợi tinh thần tự lực và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng đồng bào DTTS, miền núi. Để thực hiện điều đó, tỉnh quan tâm nâng chất lượng nguồn nhân lực ở vùng này.
Trước tiên, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng vùng đồng bào DTTS và miền núi về công tác dân tộc. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng, ban hành 15 đề án, chương trình trọng tâm, tương ứng 15 nghị quyết chuyên đề trọng tâm; trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Quảng Ninh còn tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS. Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 11 nghị quyết chỉ đạo, cụ thể hóa Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. HĐND tỉnh ban hành 12 nghị quyết về cơ chế, chính sách, định mức đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành 1 chương trình hành động, 16 quyết định phê duyệt đề án, chủ trương đầu tư...
Trong các nghị quyết, đề án, công tác xây dựng tổ chức đảng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, miền núi luôn được tỉnh quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã củng cố 48 chi bộ, 32 tổ chức đoàn thể xã hội ở các xã, phường biên giới, biển đảo hoạt động nền nếp, hiệu quả. Đến nay, tất cả các thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi có chi bộ đảng và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư về 2 năm thực hiện chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng vào cấp ủy cấp huyện biên giới ở tỉnh Quảng Ninh, tỉnh tiếp tục duy trì 24 cán bộ đồn biên phòng giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã, 5 đồng chí là đồn trưởng và chính trị viên các đồn biên phòng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành ủy biên giới, biển, đảo nhiệm kỳ 2021-2025.
Thực hiện hướng dẫn số 02-HD/BTCTU, ngày 8/9/2021 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về giới thiệu đảng viên là BĐBP tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản, khu phố khu vực biên giới, biển đảo; từ năm 2021 đến nay, các địa phương phối hợp cùng các đồn biên phòng trên địa bàn giới thiệu gần 100 đảng viên là BĐBP tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản, khu phố khu vực biên giới, biển đảo; 420 cán bộ, đảng viên BĐBP được phân công phụ trách 1.436 hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển đảo.
Xác định rõ người có uy tín luôn là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào các DTTS, tỉnh luôn chú trọng xây dựng đội ngũ này. Tổng số người có uy tín được phê duyệt giai đoạn 2023-2027 là 363 người. Định kỳ 2 năm, tỉnh tổ chức biểu dương, tôn vinh đội ngũ người có uy tín tiêu biểu. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng gần 100 lượt người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn.
Đồng thời với đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển giáo dục vùng DTTS như: Nâng cấp cơ sở vật chất các điểm trường, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên… UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 43/2019/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh Quy định vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào Trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh, theo đó mở rộng vùng tuyển sinh đến các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tốt các đề án của trung ương về giáo dục vùng DTTS. Hiện các xã, phường vùng DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh đều đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3…
Các địa phương đều thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi ở vùng DTTS; triển khai áp dụng chính sách ưu tiên người DTTS dự tuyển vào công chức hoặc viên chức công tác ở vùng DTTS; đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS… Năm 2022 và 2023, có 1.113 người DTTS được đào tạo nghề theo chương trình. Kỳ tuyển dụng viên chức năm 2022, toàn tỉnh có 68 người DTTS trúng tuyển viên chức.
Nhờ quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, miền núi đã góp phần quan trọng để các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thấm hơn vào cuộc sống của bà con nơi đây. Tình hình ANTT trong vùng luôn ổn định; kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng phát triển.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()