Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:09 (GMT +7)
Đẩy mạnh bảo vệ, trồng rừng ngập mặn
Thứ 3, 24/10/2023 | 12:00:00 [GMT +7] A A
Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó trước biến đổi khí hậu. Đồng thời còn mang lại lợi ích về sinh kế bền vững cho người dân vùng cửa sông, ven biển của Quảng Ninh.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 19.300ha rừng ngập mặn phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn... Trong đó rừng ngập mặn phòng hộ gần 16.000ha, rừng ngập mặn sản xuất gần 4.000ha và rừng ngập mặn đặc dụng 26ha. Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó bao gồm rừng ngập mặn, gắn với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Bao gồm việc duy trì trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông bằng công nghệ mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới; bảo vệ nghiêm ngặt dải cây xanh và hệ sinh thái rừng ngập mặn... Khi tiến hành thực hiện các dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, cầu Tình Yêu, cầu Cửa Lục 3..., các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án được yêu cầu quan tâm lắp đặt hệ thống cầu, cống để lưu thông dòng chảy. Mục đích nhằm hạn chế sự thay đổi về các điều kiện lập địa, thời gian ngập triều, phơi bãi... gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của rừng.
Tại huyện Hải Hà đang duy trì trên 1.450ha rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phong, Đường Hoa, Quảng Minh, Quảng Thành... Trong đó có hơn 1.300ha rừng tự nhiên với các loài cây mắm, sú, trang, đước vòi, vẹt... với mật độ 5.000-9.000 cây/ha, đường kính tán 1-2m, chiều cao đạt 1-2m. Để bảo vệ, quản lý chặt chẽ “tài nguyên xanh” này, năm 2023, huyện tiếp tục chú trọng rà soát chặt chẽ các dự án sử dụng đất có rừng ngập mặn; thực hiện chủ trương không giao đất bãi triều, đất mặt nước có cây ngập mặn để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng tới rừng ngập mặn. Toàn bộ UBND các xã, thị trấn ven biển thường xuyên kiểm tra hoạt động đào, đắp đầm của các hộ gia đình được giao đất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không xâm hại tới diện tích rừng ngập mặn xung quanh.
Thực hiện đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” (Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), từ đầu năm đến nay, địa phương đã trồng mới 59,91/76,78ha rừng ngập mặn, trong đó trồng phục hồi, làm giàu 58,56ha rừng. Qua đó đã góp phần ổn định cấu trúc rừng, ổn định hệ sinh thái rừng ngập mặn; tăng khả năng chống chịu đối với tình trạng mực nước dâng và tăng cường tính chống chịu với sóng biển, gió cát...
Huyện Tiên Yên có gần 3.700ha rừng ngập mặn, cũng là một trong những địa phương có hệ thống rừng sinh thái ngập mặn lớn của tỉnh. Để bảo vệ và phát triển rừng, cấp ủy, chính quyền huyện Tiên Yên đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại rừng ngập mặn; thực hiện tốt công tác giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch dựa trên lợi thế rừng tự nhiên này. Còn tại huyện Đầm Hà, có tới 4 xã Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập và Đại Bình giáp biển với tổng diện tích rừng ngập mặn gần 2.600ha rừng ngập mặn. Vì vậy, việc quản lý có cả vai trò của BQL Rừng phòng hộ huyện và UBND các xã; nhất là trong việc thường xuyên tăng cường tuyên truyền đến người dân đảm bảo khai thác nguồn lợi rừng ngập mặn gắn với bảo tồn, không làm tổn hại đến hệ sinh thái.
Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn được xác định là một trong những giải pháp tối ưu để thích ứng và hạn chế tác động của thiên tai, vừa bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển.
Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng và có năng suất cao nhất trên thế giới, là nơi nuôi dưỡng, cư ngụ, cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật dưới nước và trên cạn có giá trị ở vùng ven biển. Rừng ngập mặn giúp ổn định bờ biển, bảo vệ đê điều và là tấm lá chắn chống lại gió bão cũng như các tai biến thiên nhiên. Rừng ngập mặn đã đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế xã hội của người dân ven biển ở Việt Nam.
Trong rừng ngập mặn, không phải loại cây nào cũng có thể sinh sống và phát triển được. Chỉ những loại thực vật thích hợp với vùng nước ngập mặn mới có thể sinh sống và phát triển một cách tốt nhất. Chính vì những yếu tố đó đã tạo nên một môi trường sinh trưởng và phát triển khắc nghiệt chỉ những loại cây ngập mặn với những đặc tính riêng mới có thể sống và thích nghi một cách tốt nhất.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()