Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 02:31 (GMT +7)
Bài học cho kẻ hủy hoại rừng
Thứ 3, 03/10/2023 | 08:49:23 [GMT +7] A A
Mặc dù biết rừng được Nhà nước giao cho để khoanh nuôi bảo vệ, nhưng do muốn có đất trồng keo, Chìu Sáng Phùng (trú tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) đã rủ vợ và con chặt phá, chặt cả sang diện tích đã được giao cho đơn vị khác.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2009, Đặng Thị Nảy được UBND huyện Ba Chẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 20.000m2 thuộc lô 30, khoảnh 15, tiểu khu 129, tại thôn Đồng Khoang, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, thời hạn sử dụng 50 năm, mục đích để khoanh nuôi bảo vệ rừng. Trong thời gian 3 năm đầu sau khi được giao đất, Nảy được Nhà nước trả tiền công khoanh nuôi bảo vệ.
Mặc dù biết rõ đây là rừng được giao để khoanh nuôi bảo vệ, nhưng do muốn có đất trồng keo, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2022, Chìu Sáng Phùng (chồng của Đặng Thị Nảy) đã rủ vợ và con là Chìu Tiến Thắng chặt phá diện tích rừng được Nhà nước giao cho Nảy.
Do không xác định được vị trí, ranh giới chính xác nên Phùng, Nảy và Thắng đã chặt phá rừng ở lô 47, khoảnh 15, tiểu khu 129, thuộc thôn Đồng Khoang, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ. Toàn bộ diện tích rừng các bị cáo chặt, phát đã được UBND tỉnh giao qua hình thức cho thuê đất, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Xây dựng thương mại TKL, nay thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Đầu tư Rừng Việt QN (Công ty TNHH Đầu tư Rừng Việt QN nhận chuyển nhượng lại của Công ty CP Xây dựng thương mại TKL) mục đích Nhà nước giao đất để khoanh nuôi, bảo vệ.
Theo giám định của cơ quan chức năng, diện tích rừng tự nhiên bị hủy hoại 9.708m2, tổng giá trị thiệt hại hơn 137 triệu đồng.
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, các bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả. Căn cứ theo tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo, tại phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm ngày 30/5/2023, TAND huyện Ba Chẽ đã tuyên các bị cáo Chìu Sáng Phùng, Đặng Thị Nảy và Chìu Tiến Thắng phạm tội “Hủy hoại rừng”. Tuyên phạt bị cáo Chìu Sáng Phùng 18 tháng tù. Bị cáo Đặng Thị Nảy bị tuyên phạt 15 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng, bị cáo Chìu Tiến Thắng bị tuyên phạt 12 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Chìu Sáng Phùng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho được hưởng án treo. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/9/2023, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo Chìu Sáng Phùng bị tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 18 tháng tù đã xem xét đến tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo trong vụ án, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như nhân thân của bị cáo.
Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên rừng và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội. Bị cáo là người khởi xướng, thực hành tích cực nhất trong vụ án nên cần phải xử lý nghiêm minh để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống với tình hình tội phạm về môi trường, đặc biệt là tội phạm hủy hoại rừng đang diễn biến phức tạp thời gian qua.
Đối với các lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo bị cáo trình bày trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm đã được tòa cấp sơ thẩm xem xét đánh giá, áp dụng. Sau khi xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ mới hoặc tài liệu không đảm bảo căn cứ để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mới. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bản án chính là bài học đắt giá cho các bị cáo cũng như đối với ai đang cố tình vi phạm pháp luật.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()