Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:49 (GMT +7)
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại
Thứ 2, 21/11/2022 | 10:22:30 [GMT +7] A A
Đưa chuyển đổi số vào hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) là xu thế tất yếu và đang được thực hiện triệt để, tích cực. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tư duy thương mại cho người dân, doanh nghiệp, tạo cầu nối bền vững, lâu dài cho hoạt động giao thương và đáp ứng xu thế phát triển trong thời đại 4.0 hiện nay.
Bắt nhịp xu hướng
Bước sang năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đang từng bước tăng tốc, kinh tế và thương mại của Việt Nam đã có những bước khởi sắc đáng kể. Nhờ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023 và kể từ khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) tại Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022 vào đầu tháng 9 vừa qua, hoạt động XTTM đang là hướng đi rất cần thiết trong việc quảng bá, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để hoạt động XTTM đạt được hiệu quả, thì việc gắn các hoạt động chuyển đổi số vào thực hiện là điều cần thiết và quan trọng. Để làm được điều này, không chỉ cần sự nỗ lực của các sở, ngành liên quan mà còn cần tới sự hưởng ứng cao từ chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải thức thời chuyển đổi số trong thương mại hóa sản phẩm để tận dụng những thời cơ mới. Bởi, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp để thích ứng, tận dụng những cơ hội mới nhằm duy trì, mở rộng thị trường. Đây được coi là xu thế mới, hiệu quả trong quá trình quảng bá sản phẩm, đồng thời đây cũng là cơ hội “vàng” để khai thác các giá trị xuyên thời gian, không biên giới và quốc tế.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua, các chương trình kết nối, XTTM đã được Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức với quy mô cấp tỉnh, cấp vùng, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng. Qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, giữa các sở, ngành, đơn vị của tỉnh với các sở, ngành, địa phương các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điển hình như: Chương trình Hội chợ OCOP; tuần XTTM; tuần bán hàng trực tuyến; hội chợ thương mại Việt - Trung, Việt - Lào… Hầu hết các chương trình đều được lồng ghép với các hoạt động chuyển đổi số như: Thanh toán quét mã QR code; đặt hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT); hướng dẫn, định hướng người dân phương thức đặt hàng, hình thức thanh toán thông qua môi trường internet khi mua sản phẩm…
Tính riêng từ đầu năm đến nay, các sở, ngành đã tổ chức thông tin trên 50 chương trình XTTM trong và ngoài tỉnh tới Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu chủ động đăng ký tham gia; hỗ trợ 28 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT trong nước, như: HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An, Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh, Công ty TNHH Dược liệu Đông Bắc, Công ty CP Nước mắm Cái Rồng Vân Đồn, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, hộ kinh doanh cơ sở sản xuất Bảo Khang… Đến nay, tại sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh hiện đang quảng bá, giới thiệu 383/565 sản phẩm tham gia chương trình OCOP Quảng Ninh, trong đó có 179/267 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa sản phẩm của mình lên sàn TMĐT, giúp quảng bá hình ảnh thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng doanh thu, lợi nhuận bán hàng. Theo đại diện Công ty TNHH Dược liệu Đông Bắc (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả): Ngoài việc đưa sản phẩm tham gia các kỳ hội chợ, công ty đã đưa toàn bộ sản phẩm của mình lên sàn http://teqni.gov.vn, sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh, sàn TMĐT Posmart.vn, Voso.vn… Việc hoàn thiện hồ sơ và đưa các sản phẩm lên sàn và gắn mã QR cho sản phẩm là rất cần thiết trong kinh doanh buôn bán hiện nay. So với trước đây, sản phẩm của công ty đã được đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn. Việc thông tin đặt hàng, vận chuyển và quảng bá thương hiệu được thực hiện nhanh chóng, không tốn thời gian, công sức. Doanh thu từ TMĐT trong bán hàng cũng tăng từ 30-35% so với việc buôn bán trước đây. Đây là việc làm cần thiết, cần được đẩy mạnh để quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh và góp phần vào việc chuyển đổi số trong kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế, đáp ứng xu thế của thị trường.
Điều kiện để phát triển bền vững
Hiện nay, để thực hiện mục tiêu đưa 100% sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh lồng ghép các hoạt động ứng dụng TMĐT trong khuôn khổ tổ chức các kỳ hội chợ, qua đó từng bước định hướng, hình thành thói quen sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong thời đại công nghệ số cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Sở đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động bố trí khu gian hàng TMĐT; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước tỉnh mời các sàn TMĐT trong nước, các ngân hàng thương mại, các đơn vị cung ứng dịch vụ TMĐT tham gia tư vấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia hội chợ trong thực hiện hoạt động TMĐT; phối hợp với VNPT tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh... Tính đến thời điểm hiện tại đã có 160 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh được lên sàn TMĐT Voso.vn, đạt 60% và 99 sản phẩm được lên sàn TMĐT Postmart.vn, đạt 37%.
Hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản, OCOP Quảng Ninh triển khai kết nối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tới các địa phương, các tỉnh, thành phố trong nước cũng được thực hiện tích cực. Điển hình như, thông qua tuyên truyền, tập huấn, các doanh nghiệp đã chủ động tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm,… để tham gia các chương trình xúc tiến, đưa sản phẩm vào bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 85% sản phẩm OCOP Quảng Ninh được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương, cho biết: Hiện nay, trong sản xuất và lưu thông hàng hóa với trình độ công nghệ ngày một phát triển. Việc quản lý hàng hóa bằng máy móc điện tử đã không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt là mã QR Code, có chức năng truy xuất được nguồn gốc thông tin sản phẩm, thực phẩm. Đây là hoạt động cần thiết với các sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Nó không những giúp tiết kiệm nhân lực mà còn giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí rất lớn cho khách hàng và góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động XTTM theo kế hoạch 2022 và 2023, gắn với các hoạt động chuyển đổi số như: Đặt hàng và thanh toán trực tuyến, quét mã QR thanh toán tại quầy, thanh toán ví điện tử, Zalo Pay…
Cùng với đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp OCOP tại các địa phương cũng đã được hỗ trợ, tổ chức kết nối, tiêu thụ nông sản qua các sàn TMĐT của tỉnh và các sàn TMĐT lớn, qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động trong tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ nông sản một cách bài bản, đúng mùa vụ, đúng hướng, đạt mục tiêu và hiệu quả.
Đơn cử như cuối tháng 10/2022 vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với huyện Tiên Yên tổ chức phiên chợ trực tuyến mua sắm các sản phẩm OCOP và sản phẩm thương hiệu tỉnh Quảng Ninh năm 2022 tại huyện Tiên Yên. Phiên chợ trực tuyến mua có quy mô 30 gian hàng tiêu chuẩn của 20 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đến từ các địa phương trong tỉnh. Hàng hóa tham gia đều đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã đẹp, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ và được bán trên trang sàn TMĐT tỉnh Quảng Ninh với giá cả hợp lý, phù hợp thị hiếu, nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực, nhằm XTTM, quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đến với người dân Tiên Yên; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nâng cao giá trị thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và xây dựng uy tín với người tiêu dùng trong tỉnh, từ đó thiết lập các đại lý tiêu thụ sản phẩm, mở rộng giao lưu thương mại.
Đặc biệt, tháng 4/2022, sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đã được đưa vào chạy thử nghiệm để khắc phục các hạn chế và thúc đẩy XTTM sản phẩm và dần thay thế cho sàn TMĐT cũ http://teqni.gov.vn. Ngay sau khi thử nghiệm, nguồn dữ liệu cũ đã được đồng bộ qua sàn mới đạt trên 70%. Tới nay, đã có 101 doanh nghiệp tham gia sàn với 279 sản phẩm. Số lượt truy cập qua sàn tính đến hết tháng 10/2022 đạt trên 176.040 lượt. Sàn sẽ tiếp tục cập nhật, đưa lên nhiều sản phẩm mới và đưa vào hoạt động nhiều tiện ích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người mua.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong quá trình hội nhập hiện nay, TMĐT vẫn được ghi nhận là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao và được ví như “cánh tay nối dài” của các kênh phân phối hàng hóa truyền thống. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ tới trong và ngoài nước thông qua việc tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0 gắn với hoạt động XTTM. Thời gian tới, bên cạnh việc quản lý, vận hành có hiệu quả sàn TMĐT tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” các sàn TMĐT uy tín trong nước. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT xuyên quốc gia như Alibaba, Amazon…
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()